Sản phẩm  Sách Cơ Đốc English
SÁCH CƠ ĐỐC
Price

CHÚA GIÊ-XU LÀ AI


GIỚI THIỆU

Chúa Giê-xu Là Ai?

Ngày nay, nhiều người tưởng rằng họ biết trả lời cho câu hỏi này. Một số người trả lời rằng: “Ngài là một giáo sư đạo đức được soi sáng.” Một số khác nói, “Ngài là nhà lãnh đạo cuộc cách mạng tôn giáo chống lại tổ chức tôn giáo hạn hẹp trong thời đại của Ngài.” Một số người khác thậm chí còn nói rằng: “Ngài chỉ là một người thu hút nhiều người khác theo mình bằng những bài giảng về tình yêu và khi Ngài bị giết họ đã dựng đứng nhiều câu chuyện về Ngài.”

Câu trả lời của bạn là gì và bạn đã đi đến câu trả lời này như thế nào? Bạn đã tự mình phân tích vấn đề này hay bạn chỉ lập lại những gì đã nghe người khác nói?

Loạt bài học này sẽ giúp bạn đi đến kết luận riêng của mình, bằng cách đưa bạn trở lại với nguồn gốc những thông tin về Chúa Giê-xu ­­­– là Kinh Thánh. Bạn sẽ thấy những người đương thời với Chúa Giê-xu nói gì về Ngài và những gì Chúa Giê-xu tự nói về mình. Dù rằng có một số người đã nói với bạn một cách khác về Chúa Giê-xu, nhưng trong những bài học này, bạn sẽ thấy Chúa Giê-xu đã nói rất rõ về cá tính và mục đích của Ngài. Trong thực tế, vì sứ điệp của Ngài đã quá rõ ràng đến nỗi những người lãnh đạo tôn giáo thời ấy cuối cùng đã phải giết Ngài.

Vậy Chúa Giê-xu này là ai?

Bạn cần có một quyển Kinh Thánh trọn bộ (hoặc quyển Kinh Thánh Tân Ước) để nghiên cứu những bài học này. Đây là những bài học dựa trên sách Tin Lành Ma-thi-ơ, là một trong những sách ghi lại đời sống và chức vụ của Chúa Giê-xu. Mặc dù những bài học này có thể chỉ tập trung vào những chương nổi bật. Nhưng trong lúc nghiên cứu các bài học này, bạn sẽ được yêu cầu đọc toàn bộ sách Ma-thi-ơ.

Sau mỗi bài học, sẽ có một vài câu hỏi để giúp bạn nhớ và suy gẫm những gì bạn đã học. Bạn nên dùng tờ giấy riêng để ghi lại câu trả lời của mình, nhất là cho những câu hỏi trong phần “Những Điều Suy Gẫm.”

Nếu bạn thấy khó hiểu hoặc chưa nắm rõ về bất cứ điều gì đã đọc trong quyển sách này, xin bạn đừng ngần ngại, hãy đến nhà thờ Tin Lành gần nơi bạn đang ở gặp Mục sư, Truyền đạo để được giải đáp rõ ràng.

BÀI MỘT

Giới Thiệu

Ma-thi-ơ là một người bạn rất thân của Chúa Giê-xu. Ông là một nhân chứng thấy tận mắt đời sống và chức vụ của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu gọi Ma-thi-ơ là môn đồ – nghĩa là một người đi theo thầy của mình. Ma-thi-ơ có một số tin tức rất tốt lành để kể cho chúng ta nghe về thầy của ông là Chúa Giê-xu. Ông đã nhận biết rằng Chúa Giê-xu chính là Cứu Chúa, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã hứa sẽ sai đến. Ông tin rằng Đức Chúa Trời đã sai Cứu Chúa Giê-xu này đến thế gian để loài người có thể được cứu khỏi tội lỗi, sự chết và địa ngục bằng cách tin nhận Ngài. Đó là TIN LÀNH! Chữ “Tin Lành” có nghĩa là tin tức tốt lành. Cuốn sách chúng ta sắp học có thể được gọi là “Tin Lành theo Ma-thi-ơ.”

Trong các bài học này có những câu liên quan đến những đoạn Kinh Thánh ở các sách khác nữa, sẽ giúp cho bạn hiểu rõ những gì Ma-thi-ơ đã viết. Khi gặp những câu này xin bạn hãy đọc kỹ trước rồi hãy tiếp tục bài học, bạn sẽ thấy rất ích lợi cho việc nghiên cứu của mình.

Chúa Giê-xu Được Sanh Ra Như Thế Nào?

(Xin đọc đoạn 1)

Ma-thi-ơ cho chúng ta biết rằng, trước khi Ma-ri (mẹ của Chúa Giê-xu) kết hôn, trước khi ăn ở với một người đàn ông thì bà đã nhận biết mình đang có thai. Điều này là một phép lạ! Nó đã xảy ra bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Mặc dù có nhiều điều con người không thể làm được, nhưng quyền năng của Đức Chúa Trời thì không có giới hạn. Kinh Thánh cho chúng ta biết, “Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả” (Mác 10:27b). Hãy xem phản ứng của bà Ma-ri đối với việc này trong sách Lu-ca 1:26-38.

Những người khác phản ứng một cách khác hẳn. Khi Giô-sép (chồng đã hứa hôn của Ma-ri) khám phá ra Ma-ri sắp sửa sanh con, ông ta muốn hủy bỏ đám cưới. Nhưng Đức Chúa Trời không muốn việc đó xảy ra. Câu 20 cho chúng ta thấy một thiên sứ của Đức Chúa Trời đã hiện đến cùng Giô-sép và động viên ông tiến hành đám cưới với Ma-ri. Thiên sứ bảo với Giô-sép rằng không phải Ma-ri không chung thủy với ông đâu, và đứa con mà Ma-ri đang mang thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Đứa Con này là Đấng mà Đức Chúa Trời đã hứa “sẽ cứu dân của Ngài ra khỏi tội.”

Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu đã được loan báo nhiều năm về trước bởi tiên tri Ê-sai (trở lại Cựu Ước và xin đọc trong sách Ê-sai 7:14). Tiên tri Ê-sai đã dùng từ “Em-ma-nu-ên” để nói về Cứu Chúa sắp đến. Từ này có nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” Vậy, khi Chúa Giê-xu đến trần gian, Ngài thực sự chính là Đức Chúa Trời đến ở giữa loài người!

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn “Đ” (Đúng) hoặc “S” (Sai) cho mỗi câu sau đây:

1. Mặc dù Ma-ri chưa hề ăn ở với người đàn ông nào nhưng bà vẫn có thai bởi vì Đức Chúa Trời đã làm phép lạ qua công việc của Đức Thánh Linh.                                                                                                  Đ  -   S

2. Khi thiên sứ hiện đến cùng Giô-sép, ông nghĩ đây là một trò đùa.                                           Đ  -   S

3. Chúa Giê-xu đến để cứu dân Ngài ra khỏi tội.                                               

                                                                           Đ  -   S

4. Bất cứ ai tin nhận Chúa Giê-xu đều là con dân của Ngài.                                                          Đ  -   S

Những Điều Suy Gẫm ...

“Em-ma-nu-ên” nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” Điều này có ý nghĩa gì đối với bạn khi Chúa Giê-xu đã được ban danh hiệu này?

Hai Phản Ứng Đối Với Sự Giáng Sinh Của Ngài

(Xin đọc đoạn 2)

Nhiều người đặt câu hỏi “Ai là Đức Giê-xu này?”. Họ không hiểu Chúa Giê-xu nhưng họ muốn được biết thêm về Ngài. Vào thời đại của Chúa Giê-xu, có một số người rất thông minh được gọi là “bác sĩ.” Những người này nghiên cứu các vì sao và bầu trời. (Họ là một kết hợp giữa những nhà thiên văn học và chiêm tinh học của thời đại chúng ta hôm nay!) Đức Chúa Trời đã đặt một dấu hiệu kỳ lạ trên bầu trời để báo tin sự giáng sinh của Chúa Giê-xu và khi những vị bác sĩ này nhìn thấy những dấu hiệu đó, họ biết rằng có một điều gì đó rất đặc biệt sắp xảy đến trong trần gian. Họ đi từ một vùng đất xa lạ đến thủ đô của Y-sơ-ra-ên (thành Giê-ru-sa-lem) để hỏi vua Hê-rốt chỉ cho họ nơi mà họ có thể tìm gặp vị Vua mới.

Hãy tưởng tượng xem vua Hê-rốt ngạc nhiên đến mức nào khi nghe (bởi những người ngoại quốc) nói rằng có một vì Vua mới được sanh ra. Ông hỏi những người cận thần của mình xem họ có thể giải thích được điều này chăng. Và họ đã chỉ ra một đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước (sách Mi-chê 5:2) nói rằng Đấng cai trị dân sự của Đức Chúa Trời tức Đấng Cứu Thế sẽ đến từ một thị trấn nhỏ có tên gọi là Bết-lê-hem (chỉ cách Giê-ru-sa-lem 15 dặm về phía nam). Hê-rốt đã sai những vị bác sĩ đến Bết-lê-hem tìm nơi Con Trẻ được sanh ra để về báo lại cho ông ta biết. Ông nói rằng ông cũng muốn “thờ lạy” Con Trẻ ấy – nhưng thực ra ông muốn giết vị Vua mới này.

Khi những vị bác sĩ đến thành Bết-lê-hem, họ tìm gặp hài nhi Giê-xu đang ở trong nhà cùng với Ma-ri và Giô-sép. Họ thờ lạy Ngài và dâng những lễ vật quý giá lên cho Ngài. Vào lúc mà họ sửa soạn trở về để báo tin cho Hê-rốt, trong một giấc chiêm bao, họ đã được Đức Chúa Trời mách bảo đừng trở lại thành Giê-ru-sa-lem, nhưng hãy đi về nhà bằng con đường khác. Đức Chúa Trời biết Hê-rốt sẽ giận dữ về việc này, Ngài đã sai một thiên sứ đến bảo Giô-sép hãy mang Chúa Giê-xu và mẹ Ngài sang Ai-cập, ở nơi đó họ sẽ được an toàn. Giô-sép đã vâng lời Ngài.

Hê-rốt biết mình đã bị các vị bác sĩ đánh lừa, ông ta rất tức giận, ra lệnh giết hết thảy con trai từ hai tuổi trở xuống trong thành Bết-lê-hem và vùng phụ cận! Hành động tàn ác này của Hê-rốt cũng đã được Đức Chúa Trời báo trước qua tiên tri Giê-rê-mi.

Một thời gian ngắn sau đó, vua Hê-rốt chết, một thiên sứ của Đức Chúa Trời hiện đến bảo Giô-sép trở về quê nhà. Ông đã đưa gia đình mình trở về nhà ở thành Na-xa-rét.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn “Đ” (Đúng) hoặc “S” (Sai) cho mỗi câu sau đây:

1. Các nhà thông thái hay còn gọi là “bác sĩ” đã nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã sai một vị Vua mới đến thế gian và họ muốn thờ lạy vị Vua ấy.      Đ  -  S

2. Vua Hê-rốt cũng muốn thờ lạy Con Trẻ.         Đ  -  S

3. Nhiều sự kiện liên quan đến sự giáng sinh của Chúa Giê-xu đã được rao báo nhiều năm về trước bởi Đức Chúa Trời qua các vị tiên tri của Ngài, trong đó có cả phản ứng của vua Hê-rốt.                        Đ  -  S

Những Điều Suy Gẫm ...

1. Tại sao Đức Chúa Trời bày tỏ cho những người ngoại quốc biết rằng Ngài đã sai một vị Vua đến?

2. Hê-rốt có tin Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế không? (Xin hãy cẩn thận, xem kỹ lại những gì Hê-rốt đã hỏi các thầy tế lễ và các thầy thông giáo. Và ông ta đã làm điều gì khi mà các vị bác sĩ không trở lại). Nếu Hê-rốt có tin, thì niềm tin của ông khác với niềm tin của các vị bác sĩ như thế nào?

Chúa Giê-xu Bắt Đầu Thi Hành Chức Vụ

(Xin đọc đoạn 3)

Chúng ta không biết nhiều về Chúa Giê-xu trong khoảng thời gian Ngài lớn lên. Đức Chúa Trời đã soi dẫn Ma-thi-ơ viết lại những gì mà chúng ta cần nên biết, cốt để chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của chúng ta. Ma-thi-ơ tiếp tục thuật lại sự việc tại sông Giô-đanh là nơi Chúa Giê-xu chịu phép báp-têm bởi Giăng Báp-tít. Vào lúc này Chúa Giê-xu khoảng ba mươi tuổi. Nhưng trước khi chúng ta tìm hiểu về việc Chúa Giê-xu chịu phép báp-têm, chúng ta cần biết một chút về Giăng Báp-tít.

Tác giả Lu-ca cho chúng ta biết thêm một thông tin về Giăng Báp-tít. Bạn có thể đọc trong sách Lu-ca 1:5-25 và 57-80. Giăng Báp-tít là anh em họ của Chúa Giê-xu và vai trò của ông cũng được Đức Chúa Trời báo trước qua tiên tri Ê-sai (sách Ê-sai đoạn 40). Ông sửa soạn một dân sẵn lòng cho Đấng sẽ đến - Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-xu. Khi Chúa Giê-xu đến để chịu Giăng làm phép báp-têm, ông trả lời rằng Chúa Giê-xu nên làm báp-têm cho ông! Chúa Giê-xu đáp lại rằng Giăng phải làm báp-têm cho Ngài hầu cho hoàn thành tất cả mọi việc mà Chúa Giê-xu đến thế gian để làm. Điều này giống như là sự kết thúc một quyển sách và sự mở ra một cuốn sách khác - chức vụ của Giăng Báp-tít đã chấm dứt và chức vụ của Chúa Giê-xu bắt đầu. (Bạn có thể đọc thêm về vai trò của Giăng Báp-tít trong sách Giăng 1:19-37).

Sau khi Chúa Giê-xu chịu báp-têm và đang khi bước ra khỏi nước, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Các tầng trời mở ra, Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài và một tiếng nói từ trời phán rằng: “Này là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”

Một chứng cớ thật rõ ràng cho những người có mặt ngày hôm đó và cho cả chúng ta ngày hôm nay! Để Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ, dấu hiệu này bày tỏ rằng Ngài là Đấng sẽ mở các tầng trời, là Đấng được Đức Chúa Trời ban thần của Ngài ngự vào (xem Ê-sai đoạn 42), và là Con của Đức Chúa Trời.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:

1. Giăng Báp-tít rao giảng rằng:

a) Đấng Mê-si (Đấng Cứu Thế) sắp đến hãy ăn uống và vui vẻ!

b) Đấng Mê-si (Đấng Cứu Thế) sắp đến, hãy dọn sạch đường sá và tỉa sửa cây cối để chúng ta không bị xem là những người quê mùa.

c) Hãy ăn năn tội lỗi của các ngươi và sống một đời sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Hãy dọn sẵn lòng cho Đấng Mê-si (Đấng Cứu Thế).

2. Giăng không muốn làm báp-têm cho Chúa Giê-xu bởi vì:

a) Ông cần được Chúa Giê-xu làm báp-têm cho mình.

b) Chúa Giê-xu đã chịu báp-têm rồi.

c) Giăng đã kết thúc việc làm báp-têm cho ngày hôm đó và ông đã quá mệt.

3. Điểm quan trọng của đoạn này là:

a) Chúa Giê-xu đã sẵn sàng bắt đầu thi hành chức vụ, đã được chứng thực bởi sự hiện đến của Đức Thánh Linh và tiếng nói của Đức Chúa Cha.

b) Khi một người muốn chịu báp-têm, họ nên đi đến Y-sơ-ra-ên và lội xuống sông Giô-đanh.

c) Người làm phép báp-têm chân chính sẽ mặc áo bằng lông lạc đà và ăn châu chấu.

Chúa Giê-xu Bị Cám Dỗ

(Xin đọc 4:1-11)

Đây là một cách khá kỳ lạ để bắt đầu chức vụ, sau khi Chúa Giê-xu chịu báp-têm, Đức Thánh Linh đã đưa Ngài vào đồng vắng đặng chịu ma quỉ cám dỗ. Đồng vắng này là một vùng đất hoang vu nức nẻ với những ngọn đồi phủ đầy đá sỏi. Chúa Giê-xu đã ở đó, chịu cám dỗ sau bốn mươi ngày kiêng ăn! Chúng ta chỉ được nghe kể về ba sự cám dỗ của Sa-tan, nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu đã bị tấn công trong suốt thời gian này.

Ma-quỉ cám dỗ Chúa Giê-xu đừng vâng theo Đức Chúa Trời. Hãy để ý cách mà Sa-tan áp dụng, nó bắt đầu bằng cách gieo sự nghi ngờ vào lời mà Đức Chúa Cha đã nói vào lúc Chúa Giê-xu chịu báp-têm: “Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời ...” (câu 3). Sa-tan đã dùng mưu mẹo này mà trước đây nó đã dùng với A-đam và Ê-va, bằng cách cố làm cho họ nghi ngờ những gì Đức Chúa Trời đã nói (Sáng-thế-ký 3:1). Nó cũng dùng mưu chước đó đối với chúng ta! Sa-tan luôn cố gắng làm cho chúng ta nghi ngờ. Nó thích đánh vào lúc chúng ta yếu đuối – và đánh ngay vào chỗ yếu của chúng ta! Chúa Giê-xu đói lã sau 40 ngày không ăn uống, vì vậy Sa-tan tung ra sự cám dỗ bằng bánh. Dĩ nhiên là không có tội gì cả khi bạn có một món gì đó để ăn vào lúc bạn đang đói, nhưng sự cám dỗ của Sa-tan là làm cho Chúa Giê-xu không vâng lệnh Đức Chúa Trời và sử dụng quyền năng siêu nhiên của Ngài để phục vụ cho nhu cầu riêng của mình. Hãy xem Chúa Giê-xu trả lời ma quỉ như thế nào, điều này rất quan trọng cho chúng ta. Sứ đồ Phi-e-rơ nói với chúng ta về sự cám dỗ trong sách I Phi-e-rơ 5:8-9 như sau: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó...”

Chúa Giê-xu phản ứng lại sự cám dỗ bằng cách trích dẫn lời của Đức Chúa Trời. Rồi sau khi đánh bại sự cám dỗ mà Sa-tan đưa ra hầu làm cho Ngài thờ lạy nó, Chúa Giê-xu đã ra lệnh cho Sa-tan lui ra. Chúa Giê-xu đã giữ trọn sự vâng phục đối với Đức Chúa Cha trong đường lối đã định cho Ngài phải chịu khổ và chết.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:

1. Ma quỉ cám dỗ Chúa Giê-xu bằng cách:

a) Gợi ý đến bánh trong lúc Ngài đang kiêng ăn và hứa sẽ cho Ngài quyền lực và sự giàu có.

b) Làm cho Ngài kiêng ăn 40 ngày đêm.

c) Nướng bánh và để cho Ngài ngửi mùi bánh trong lúc đói bụng.

2. Sứ đồ Phi-e-rơ cho chúng ta biết rằng ma quỉ giống như:

a) Tên mù nghiện rượu.

b) Một con muỗi.

c) Một con sư tử đói, rống lên, rình mồi.

3. Chúa Giê-xu phản ứng lại sự cám dỗ của Sa-tan bằng cách:

a) Trưng dẫn lời của Đức Chúa Trời.

b) Bịt tai lại không nghe.

c) Chạy đi chỗ khác.

Những Điều Suy Gẫm ...

1. Tại sao sự cám dỗ mà Chúa Giê-xu đã trải qua lại quan trọng cho chúng ta? (Bạn có thể xem trong sách Hê-bê-rơ 4:14-16 nói về Chúa Giê-xu như là một Thầy Tế-lễ Thượng Phẩm của chúng ta vậy.)

2. Đâu là sự yếu đuối trong đời sống của bạn mà Sa-tan thích dùng để cám dỗ bạn? Biết được điều này có thể giúp bạn chống cự lại sự cám dỗ của Sa-tan không?

3. Một trong những cám dỗ Sa-tan đã dùng đó là trưng dẫn lời Chúa và cố gắng làm cho một điều tội lỗi trở nên dường như là chính đáng, hoặc có vẻ đẹp lòng Chúa nữa! Bạn có thể nghĩ đến một trường hợp nào như vậy trong cuộc sống của bạn không?

Ai Là Đấng Nói Đầy Uy Quyền

(Xin đọc đoạn 5,6,7)

Sau khi chịu cám dỗ, Chúa Giê-xu đi qua vùng Ga-li-lê ở miền Bắc của nước Pa-les-tin giảng dạy trong các nhà hội (là nơi những người Do Thái thờ phượng). Ngài cũng đã chữa lành bệnh cho nhiều người. Điều này làm cho Chúa Giê-xu rất nổi tiếng. Dân chúng kéo theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài đến. Họ đã đến từ khắp các vùng quê và các vùng lân cận.

Trong sách Ma-thi-ơ, đoạn 5, 6 và 7 đã ghi lại những điều mà chúng ta gọi là “Bài Giảng Trên Núi.” Trong đoạn 5 từ câu 17-20, Chúa Giê-xu cho chúng ta biết một phần quan trọng của công việc Ngài trên đất này. Ngài đến không phải để phá bỏ luật pháp và lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu nói Ngài đến để làm trọn những điều này.

Khi chúng ta học phần đầu của sách Ma-thi-ơ, chúng ta nhận thấy Ma-thi-ơ đã thường nhắc nhở chúng ta về những lời tiên tri đã được làm trọn. Ở đoạn này, Chúa Giê-xu cũng nói rằng Ngài đến để làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong câu 19, Ngài nói rằng chúng ta không nên xem nhẹ, bất tuân, hoặc phá hủy bất cứ mạng lệnh nào của Đức Chúa Trời, nhưng phải sống theo điều răn dạy của Chúa và cũng dạy cho những người khác sống theo như vậy nữa.

Đức Chúa Trời quan tâm đến cách ăn nết ở của con người. Và dù muốn hay không, con người không thể quyết định theo ý riêng của mình điều gì là đúng hay sai.

Vậy có phải Chúa Giê-xu nói với chúng ta rằng chúng ta phải giành được con đường đến thiên đàng bởi việc tuân thủ luật pháp Đức Chúa Trời chăng? Có nhiều người trong thời ấy nghĩ như vậy. Đức Chúa Giê-xu gọi họ là “những người thông giáo và Pha-ri-si.” Bề ngoài họ hành động như là người rất “thánh khiết” đến nỗi những người khác có cảm tưởng rằng họ phải có sự gần gũi với Đức Chúa Trời. Trong câu 20, Chúa Giê-xu nói rằng nếu ai muốn vào thiên đàng bằng cách tuân thủ luật pháp của Đức Chúa Trời thì sự “công bình” của người đó phải vượt trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si! Điều đó thì “không thể có được!”; con người phải biết rằng “chúng ta sẽ không bao giờ có đủ năng lực để trở nên tốt đẹp như vậy ... và điều đó có nghĩa là không một ai trong chúng ta có thể vào thiên đàng bằng cách ‘làm lành!’”.

Đó là trọng điểm mà Chúa Giê-xu đã chỉ ra: Không một ai có thể vào nước thiên đàng bằng cách cố gắng tuân thủ luật pháp của Đức Chúa Trời, bởi vì không ai có thể tuân theo một cách hoàn hảo được. Hãy xem những thí dụ Ngài đã cho thấy trong câu 20-48 của đoạn 5. Ai có thể tự cho là mình đã tuân thủ luật pháp Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo? Chỉ có Chúa Giê-xu mà thôi (hãy nhớ những gì Ngài nói trong câu 17). Ngài đã giữ luật pháp của Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn vì chúng ta - nhờ đó chúng ta có thể có một lối vào nước thiên đàng trong Danh của Ngài.

Bây giờ chúng ta làm gì với luật pháp của Đức Chúa Trời? Và chúng ta làm gì với tất cả những điều mà Chúa Giê-xu đã nói trong sách Ma-thi-ơ đoạn 6,7. Trước hết, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã cho không chúng ta một lối vào thiên đàng bởi Đức Chúa Giê-xu Christ. Kế đến Đức Chúa Trời yêu chúng ta như là những đứa con yêu dấu của Ngài. Điều này có nghĩa là luật pháp của Đức Chúa Trời trở nên là những lời hướng dẫn của một người cha yêu thương. Chúng ta cố gắng vâng phục để đáp lại tất cả những gì Ngài đã làm, và bởi vì chúng ta biết rằng ý muốn của Ngài là thật sự tốt lành cho đời sống của chúng ta. Chúa Giê-xu đã dùng một minh họa tuyệt vời để kết thúc đoạn 7. Hãy đọc lại những gì Chúa Giê-xu nói, “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây...”  (Ma-thi-ơ 7:24-27).

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:

1. Trong sách Ma-thi-ơ 4: 23-25, chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu đã làm 3 điều quan trọng:

a. Dạy, giảng và chữa lành bệnh.

b. Trở nên nổi tiếng, gặp nhiều người bệnh và đi vào nhà hội.

c. Đi khắp xứ Ga-li-lê, Sy-ri và Giu-đa.

2. Mục đích Chúa Giê-xu đến thế gian là:

a. Phá hủy, bãi bỏ luật pháp và lời tiên tri.

b. Làm trọn luật pháp và lời tiên tri.

c. Học luật pháp và dạy nói tiên tri.

Những Điều Suy Gẫm ...

1. Có một số bản dịch Ma-thi-ơ 5:3-10 (Các Phước Lành) đã dùng chữ “Hạnh Phúc” thay vì “Phước”. Chữ “Hạnh Phúc” có giống như “Phước Lành” không? Chữ nào thích hợp với bài giảng của Chúa Giê-xu hơn? Tại sao?

2. Nếu có một ai đó hỏi: “Nếu Chúa Giê-xu đã đến và làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời vì tôi, vậy tại sao tôi không thể sống theo bất cứ cách nào tôi muốn?”. Bạn sẽ trả lời họ như thế nào?

3. Chúa Giê-xu thường được gọi là Đấng hòa giải vĩ đại. Ngài đã đạt được sự hòa thuận với Đức Chúa Trời và có thể làm cho con người hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời.

Đoạn 5-7 dường như cho chúng ta thấy chủ yếu là chúng ta quan tâm đến thái độ của mình đối với người khác bất kể họ có đối xử đúng đắn với chúng ta không. Bạn có đồng ý với điều này hay không?

Kết Luận

Chúa Giê-xu đã dạy nhiều điều trong khi Ngài thi hành chức vụ. Đây không phải là những điều giảng dạy mới hay những luật mới, nhưng Ngài đã dạy một cách khác để xem xét luật pháp của Đức Chúa Trời. Thay vì chỉ đơn giản xem luật pháp Đức Chúa Trời (ví dụ như 10 điều răn) như là một bản liệt kê những quy luật để theo đó mà tuân thủ và kiểm soát nhau, Chúa Giê-xu nói luật pháp là những cấu trúc có thể hướng dẫn cuộc sống chúng ta trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời và những người khác. Luật pháp chỉ cho chúng ta thấy những chỗ chúng ta sai trật, và hướng dẫn chúng ta đến một mục tiêu cao hơn.

Ngày hôm nay, người ta than phiền rằng đạo đức đã ra khỏi xã hội chúng ta. Trẻ con không được dạy cho những tiêu chuẩn tuyệt đối hay đạo đức. Chúa Giê-xu nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời đã cung cấp những tiêu chuẩn tuyệt đối cho cuộc sống và chúng ta thực hiện tốt để thừa nhận và cố gắng để đạt được những tiêu chuẩn này. Bạn đang xây dựng cuộc sống của mình trên đất cát của những tiêu chuẩn và đạo đức đời này hay trên nền đá vững chắc của lời Chúa Giê-xu? Trả lời cho câu hỏi “Chúa Giê-xu là ai?” sẽ nói lên được câu trả lời của bạn.

BÀI HAI

Giới Thiệu

Chúng ta đã kết thúc bài 1 bằng sự ghi lại về Bài Giảng Trên Núi (Ma-thi-ơ 5,6,7). Trong bài 2 chúng ta sẽ học các phần của đoạn 8 đến đoạn 16.

Đức Chúa Giê-xu, Đấng Làm Phép Lạ Đầy Quyền Năng Này Là Ai?

(Xin đọc đoạn 8)

Có một con đường cổ xưa chạy dọc theo chân ngọn núi nơi Chúa Giê-xu đang giảng đạo. Nó là một con đường thương mại quan trọng chạy dài từ bờ biển Địa Trung Hải đến thị trấn rộng lớn xứ Sy-ri của thành Đa-mách. Trong xứ Ga-li-lê, nơi Chúa Giê-xu đang giảng dạy, con đường này dẫn đến từ miền đồi núi xung quanh làng quê của Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét và xung quanh bờ biển phía bắc xứ Ga-li-lê. Thành phố Ca-bê-na-um nằm cạnh biển Ga-li-lê chạy dọc theo con đường này. Chúng ta có thể hình dung Chúa Giê-xu đi xuống từ vùng đồi nơi Ngài đang giảng dạy, tiến theo con đường này hướng về thành Ca-bê-na-um là thành phố nằm cách đó chưa đầy một dặm đang hối hả trong nhịp sống.

Bệnh phung là một căn bệnh ngoài da phổ biến đáng sợ trong thời cổ đại. Những người bị căn bệnh làm biến dạng mặt mày này thường bị xã hội ruồng bỏ. Điều này cũng đang xảy ra ngày hôm nay như đã xảy ra trong thời Chúa Giê-xu vậy. Người phung không được phép sống chung với gia đình và bạn bè. Người ta sợ bị lây bệnh từ nơi họ. Theo luật pháp, người phung bị buộc phải ở xa khỏi các cư dân và phải la lên “không sạch! không sạch!” bất cứ khi nào có ai đến gần họ.

Biết điều này để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những hành động của người phung trong đoạn 8 - người phung này đã vi phạm luật định để đến được với Chúa Giê-xu! Trong câu 1, chúng ta thấy trên đường Chúa Giê-xu vào thành Ca-bê-na-um “có đoàn dân đông lắm theo Ngài”. Bạn có thể tưởng tượng họ phải túa chạy như thế nào khi người phung mặc áo choàng trắng này xông vào giữa họ và quỳ xuống chân Chúa Giê-xu? Phản ứng của Chúa Giê-xu rất quan trọng: “Chúa Giê-xu giơ tay rờ người...” Người phung này không cảm nhận được sự va chạm vào bàn tay người khác bởi vì căn bệnh làm cho mất cảm xúc. Xin hãy nhớ rằng ông ta là người đã từng phải đối diện với những tiếng kêu la sợ hãi của những người bất chợt trông thấy ông, một người bị mọi người ruồng bỏ, một người bị xem như đang gánh chịu hình phạt của Đức Chúa Trời. Ngày hôm đó, Đức Chúa Giê-xu đã cho người bệnh này hai món quà. Món quà thứ nhất thật đơn giản, đó là một tình yêu không điều kiện và sự tiếp nhận (cho dù căn bệnh của ông ta). Và món quà thứ hai đó là sự chữa lành cơ thể.

Ma-thi-ơ cho chúng ta thấy hai câu chuyện về sự chữa lành cơ thể, mỗi câu chuyện bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi là dành cho mọi người. Câu chuyện thứ nhất giải quyết cho một người được gọi là thầy đội - một sĩ quan trong quân đội La-mã. Ông ta là một người ngoại quốc, một người mà theo như người Giu-đa là không thể hưởng phần trong sự giàu có của nước Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-xu nghe lời khẩn cầu của người này và chữa lành cho con trai ông. Kế đến Chúa Giê-xu chữa lành bệnh sốt cho bà gia của Phi-e-rơ. Hầu hết những người thời cổ đại đều xem phụ nữ là thấp kém hơn đàn ông, và họ xem những người quả phụ là một gánh nặng. Chúa Giê-xu bày tỏ tình yêu và sự quan tâm của Ngài cho những người mà xã hội đã loại bỏ.

Nhiều môn đồ của Chúa chúng ta là ngư phủ. Họ thảy đều lớn lên trong vùng quanh biển Ga-li-lê và chắc hẳn họ đã trải qua những lúc dong thuyền xung quanh cái hồ xinh đẹp này. Hầu hết họ đều có tài nếu không nói là những ngư phủ lão luyện, nhưng họ đã hoảng sợ trước cơn bão khốc liệt ập trên họ vào ngày hôm đó! Thật kinh sợ biết bao! Những môn đồ này đã vừa chứng kiến Chúa Giê-xu chữa lành cho người phung, đuổi quỷ và phục hồi sức khỏe - tất cả chỉ bằng một lời nói (câu 16). Và trong cơn bão tố, cũng chính những môn đồ này đã đến với Chúa Giê-xu trong sự sợ hãi và nói: “Lạy Chúa xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết.” Trong sách Tin lành Mác, chúng ta có thể đọc sự kiện này. Mác cho chúng ta thấy suy nghĩ của các môn đồ khá hẹp hòi khi kêu lên: “Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?” (Mác 4:38).

“Thầy không lo...?”, đó là câu hỏi mà các môn đồ đã nêu ra trên thuyền khi mạng sống họ gặp nguy hiểm. Câu hỏi này đã khỏa lấp tất cả những gì mà họ đã nhìn thấy Chúa làm trong những ngày trước đó.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn “Đ” (Đúng) hoặc “S” (Sai) cho mỗi câu sau đây:

1. Người phung đã phạm luật vì đã đến gần Chúa Giê-xu.                                                             Đ  -  S

2. Sau khi chữa lành cho người phung Chúa Giê-xu bảo với người ấy rằng luật pháp không có gì quan trọng.                                                                                 Đ  -  S                                                                                               

3. Vì các môn đồ luôn luôn ở cùng với Chúa Giê-xu, nên họ không bao giờ nghi ngờ và họ hoàn toàn hiểu rõ chức vụ và sứ điệp của Ngài.                      Đ  -  S

Những Điều Suy Gẫm ...

1. Một số người có cảm giác là mình không thể được Đức Chúa Trời tiếp nhận bởi một việc nào đó họ đã làm trong quá khứ. Tội lỗi đó trở thành một căn bệnh làm cho họ cảm thấy như bị ruồng bỏ trước cái nhìn của Đức Chúa Trời và Hội Thánh. Câu chuyện Chúa Giê-xu và người phung đã nói lên điều gì cho họ?

2. Sau khi thấy những phép lạ của Chúa Giê-xu và nhìn xem Ngài bày tỏ tình yêu cho mọi người, bạn nghĩ vì sao các môn đồ có cảm giác là Chúa Giê-xu không chăm sóc họ? Bạn đã từng có cảm giác giống như vậy chưa? Chúa đáp lời cho bạn ra sao?

Chúa Chữa Lành Cho Những Linh Hồn

(Xin đọc đoạn 9:1-13)

Sau sự việc ở biển Ga-li-lê, Chúa Giê-xu và các môn đồ Ngài trở lại quê nhà ở thành Ca-bê-na-um. Một số người mang một người đàn ông bại liệt đến. Chúa Giê-xu nhìn biết sự khó khăn của họ trên đường đi để mang người bại này đến với Ngài. Ngài biết họ tin rằng Ngài có quyền năng để chữa lành, vì vậy Ngài nói với người bệnh rằng: “Tội lỗi con đã được tha.”  Câu nói này đã làm cho các nhà lãnh đạo tôn giáo người Do Thái ngạc nhiên và tức giận.

Đoạn Kinh Thánh thuật lại câu chuyện này trong sách Tin Lành Mác, cho chúng ta biết các thầy thông giáo tin rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có thể tha tội. Nên khi Chúa Giê-xu phán với người bại “Tội lỗi con đã được tha” thì họ nghĩ rằng Ngài đang tuyên bố mình là Đức Chúa Trời! Và dĩ nhiên, Ngài chính là Đức Chúa Trời! Nhưng họ không tin là như vậy. Họ nghĩ rằng Ngài đang nói lộng ngôn, phạm thượng... và Chúa Giê-xu biết những gì họ đang nghĩ. Vì vậy Ngài hỏi họ một câu: “Trong hai lời này: một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào dễ nói hơn?”. Chúa Giê-xu biết họ không tin rằng Ngài có thể tha tội và Ngài muốn cho họ thấy là Ngài có quyền năng để làm điều đó (vì Ngài đích thực là Đức Chúa Trời). Ngài bảo người bại đứng dậy và đi - rõ ràng đây là một dấu hiệu của quyền năng siêu phàm của Ngài. Chúng ta được biết rằng ngay lập tức người bại đứng dậy và đi bộ về nhà.

Dường như không một ai thích người thâu thuế trong thời Chúa Giê-xu, nhất là người Giu-đa, chẳng những không thích mà còn căm ghét họ nữa. Những người thâu thuế trong Y-sơ-ra-ên do chính quyền La-mã thuê mướn. Người Giu-đa cho rằng họ đang hợp tác với kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời. Tất nhiên, không có một người Giu-đa đàng hoàng nào muốn kết giao với người thâu thuế, vì lẽ đó, những người bạn của những người thâu thuế cũng không được xem là người tốt. Người thâu thuế mà chúng ta gặp đang ngồi tại sở thuế vụ trong thành Ca-bê-na-um, ông tên là Ma-thi-ơ (tác giả của sách Tin Lành Ma-thi-ơ). Chúa Giê-xu bước đến bàn thuế và ra lệnh “Hãy theo Ta.” Và Ma-thi-ơ đã theo Chúa. Rồi ông ta lại càng sửng sốt hơn khi Chúa Giê-xu muốn ông ta mời tất cả bạn bè mình đến dự bữa ăn tại nhà riêng (xin hãy nhớ là tất cả bạn bè của người thâu thuế đều bị xem như là người xấu). Chúa Giê-xu và các môn đồ Ngài là khách danh dự tại buổi tiệc này, mà xung quanh Ngài là “những người thâu thuế và những người tội lỗi”. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thật không thể tin vào điều đó được! Một lần nữa, Chúa Giê-xu biết những gì đang xảy ra và Ngài đã bảo các nhà lãnh đạo tôn giáo cần phải học nhiều để hiểu rõ sứ mệnh của Đức Chúa Trời là như thế nào. Mời bạn đọc lại đoạn 9:12-13.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:

1. Chúa Giê-xu đã chữa lành cho nhiều người. Trong Ma-thi-ơ 9:1-8, còn có việc gì khác nữa rất quan trọng mà Ngài đã làm?

a) Ngài tha tội cho người bại.

b) Ngài bảo với các thầy thông giáo rằng không phải chỉ có chữa lành bệnh mới quan trọng, nhưng tha thứ cũng rất quan trọng.

c) Ngài chữa lành và tha tội cho người bại để chứng tỏ là Ngài có quyền năng siêu phàm và có thẩm quyền để làm những điều đó.

2. Các thầy thông giáo nói Chúa Giê-xu lộng ngôn bởi vì:

a) Ngài đã bảo người bại đứng dậy và đi.

b) Chỉ có những thầy thông giáo mới được phép tha tội và Chúa Giê-xu tự cho mình là người ngang với họ.

c) Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể tha tội và Chúa Giê-xu đã cho mình ngang hàng với Đức Chúa Trời.

Những Điều Suy Gẫm ...

1. Bạn nghĩ xem kinh nghiệm của Ma-thi-ơ với Chúa Giê-xu, thì khác hơn kinh nghiệm của ông với các thầy thông giáo ở điểm nào?

2. “Ta muốn sự thương xót nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.” Bạn nghĩ câu này mang ý nghĩa gì?

Đức Tin Để Nhìn Biết Chúa

(Xin đọc đoạn 9:18-34)

Khi Chúa Giê-xu đi quanh trong thành Ca-bê-na-um, có rất nhiều người đi theo Ngài, và vì thế đã làm cho đường phố càng thêm náo nhiệt. Chúa vừa đi vừa trò chuyện và giảng đạo cho dân chúng.

Một ngày nọ, ngay trong lúc Chúa đang giảng dạy thì có một người cai nhà hội bước vào, quỳ lạy trước mặt Ngài và thưa cùng Chúa Giê-xu rằng con gái ông vừa mới chết, nhưng ông tin rằng Chúa có thể làm cho con ông sống lại được. Chúa Giê-xu đi theo ông ta về nhà, và dĩ nhiên là đám đông đó cũng đi theo sau Ngài.

Khi họ đang trên đường đi, có một người đàn bà bị bệnh mất huyết đã 12 năm cố chen vào giữa đám đông để có thể rờ đến trôn áo của Chúa Giê-xu. Và theo phong tục của người Y-sơ-ra-ên, thì một người đàn bà được coi là “không sạch”  trong thời gian có kinh. Vì cớ người đàn bà này bị ra huyết liên tục, vì thế bà ta đã bị cấm không được sống một đời sống bình thường như những người khác. Bà không được phép chạm vào bất kỳ một người nào, cũng không được đụng đến bất cứ vật gì mà người khác sẽ chạm đến. Phải có can đảm và liều lĩnh lắm mới thúc đẩy được bà ta chen vào đám đông đó. Bà đã làm thế, vì bà tin rằng bằng cách chỉ chạm vào vạt áo của Chúa Giê-xu thôi thì bà sẽ được chữa lành bệnh, và nhờ  đức tin ấy bà đã được lành bệnh!

Vừa khi Chúa Giê-xu đến nhà người cai nhà hội, Ngài thấy có nhiều người đang than khóc trong phòng cô con gái của ông ta theo kiểu đặc trưng của người Đông phương. Chúa Giê-xu đã yêu cầu mọi người ra khỏi phòng bởi vì, Ngài cho họ biết rằng “Con gái nhỏ này chẳng phải chết đâu, nhưng nó ngủ.”  Họ nghe những lời đó thì cười nhạo Ngài. Vì họ biết là đứa bé gái đó đã chết thật rồi. Nhưng, không giống như người cai nhà hội, họ không nhìn biết Chúa Giê-xu là Đấng có thể làm cho bé gái đó sống lại. Sau khi bọn đó đã bị đuổi ra khỏi rồi, Ngài bèn nắm lấy tay đứa bé gái và nó đã sống lại.

Trong đoạn 9 từ câu 27 đến 31, có ghi lại sự việc hai người mù đi theo Chúa Giê-xu, nài xin Chúa  thương xót họ. Ngài hỏi họ rằng họ có tin là Ngài có thể chữa lành cho họ được không. Và họ đã xác nhận những gì mà họ đã thấy bằng cặp mắt đức tin: “Lạy Chúa, được.”, vì họ biết Chúa có thể chữa lành cho họ. Và Ngài đã làm điều kỳ diệu ấy.

Sách Ma-thi-ơ đã chia sẻ với chúng ta những câu chuyện về những con người đã nhìn Chúa Giê-xu bằng “cặp mắt đức tin.” Những con người đó tin (nhận biết) rằng Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế. Và trong đoạn 9 cũng chia sẻ một câu chuyện về điều được nói ra bởi những người không có đức tin (họ là những người “mù thuộc linh”).

Trong câu 34, ngay sau khi Chúa Giê-xu đã đuổi quỷ ra khỏi người đàn ông bị câm một cách rõ ràng mà không có một người nào nghi ngờ cả thì người Pha-ri-si đã nói: “Người này cậy phép chúa quỷ mà trừ quỷ.” Bạn có thể đọc trong sách Lu-ca đoạn 11:14-20 để hiểu thêm về bối cảnh này.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn “Đ” (Đúng) hoặc “S” (Sai) cho mỗi câu sau đây:

1. Người đàn bà bị ra huyết như vậy, thì không nên chen lấn vào đám đông để chạm vào Chúa Giê-xu.                                                                   Đ  -  S                                             

2. Chúa Giê-xu đã cười nhạo những người than khóc bởi vì họ không nhận thức được rằng thực tế đứa bé gái đó đã không chết.                            Đ  -  S

3. Suy cho cùng thì những người mù này lại còn có cái nhìn tốt hơn những người Pharisi.

Đ  -  S

Những Điều Suy Gẫm ...

1. Trong sách Mác đoạn 5:22, cũng ghi lại câu chuyện về đứa bé gái đã chết này, chúng ta được biết tên cha của đứa bé gái ấy là Giai-ru, ông là người cai trong nhà hội (là nơi để thờ phượng của người Giu-đa). Nhìn sâu hơn nữa trong chức vụ của Chúa Giê-xu, thì hầu hết những nhà lãnh đạo tôn giáo Giu-đa là những người thù nghịch cùng Ngài. Vậy, tại sao ông Giai-ru đã bỏ hàng ngũ đó mà quay trở lại để nài xin sự giúp đỡ của Chúa Giê-xu?

Bạn có nghĩ rằng những lúc bị khủng hoảng thì thường dễ làm cho con người ta xoay hướng không?

2. Hãy bình luận về lời phát biểu: Đôi lúc người mù còn có cái nhìn tốt hơn những người sáng mắt. (Xin tham khảo đoạn 9:27-34).

Bạn Là Người Nào?

(Xin đọc từ đoạn 10-12)

Giăng Báp-tít là người làm phép báp-têm cho Chúa Giê-xu, ông bị bắt bỏ tù vì đã làm công việc của một nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. Ông đã phải chịu nhiều đau đớn vì đức tin của mình và bị đối xử một cách không công bằng. Giăng đã gửi người đến hỏi Chúa Giê-xu rằng Ngài có phải là Đấng được hứa phải đến, hay là ông còn phải tìm kiếm một Đấng nào khác nữa. Đức Chúa Giê-xu đã quay sang những người đi theo Giăng và bảo họ là hãy về nói lại cho Giăng biết về những gì họ đã thấy và nghe, đó là những việc Chúa Giê-xu đã làm: Chữa lành cho người mù, người bại, người điếc, và ngay cả việc kêu kẻ chết sống lại nữa. Và một điều quan trọng hơn cả đó là Chúa Giê-xu đã rao giảng về Tin Lành cho cả những người nghèo!

Đó có phải là câu trả lời chăng? Chúa Giê-xu muốn nói đến điều gì vậy? Ngài có phải là Đấng được hứa hay không? Nếu như bạn chưa có thể hiểu ra được điều mà Chúa Giê-xu đã nói với Giăng và những người đi theo ông, xin hãy đọc sách tiên tri Ê-sai đoạn 35, bạn sẽ nhận ra được điều đó.

Quả thật, Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si, Đấng Christ, là Đấng hiện hữu cho tất cả những ai có cái nhìn bằng cặp mắt đức tin! Không phải tất cả mọi người đều nhìn bằng con mắt đức tin đâu! Nhiều người đã chối bỏ Chúa Giê-xu ngay cả họ từng chứng kiến những công việc Ngài làm một cách rõ ràng. Không phải Chúa Giê-xu từ chối không tiếp họ, (xin đọc lại lời mời của Ngài trong đoạn 11:28-30) nhưng họ đã chối bỏ Ngài vì Ngài không hoàn toàn theo như điều họ muốn.

Những Điều Suy Gẫm ...

Bạn đã chứng kiến những phép lạ và sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu chưa? Ngài có phải là Đấng mà Đức Chúa Trời hứa ban cho nhân loại không? Bạn đáp lời kêu gọi của Ngài như thế nào?

 Những Điều Suy Gẫm Thêm

(Xin đọc đoạn 13)

Chúa Giê-xu đã dùng rất nhiều thời gian để giảng dạy cho dân chúng. Một trong những phương pháp Ngài ưa thích đó là dùng ẩn dụ. Ẩn dụ là câu chuyện về một vấn đề chính và những chi tiết phụ khác được thêm vào nhằm thu hút sự chú ý của chúng ta. Một số người gọi ẩn dụ đơn giản là “một câu chuyện kể ở dưới đất, nhưng mang ý nghĩa ở trên trời.” Những ẩn dụ của Chúa Giê-xu rất đơn giản, chắc chắn bạn có thể hiểu được ngay. Tuy nhiên, những gì mà bạn sẽ khám phá ra đó là khi bạn lớn lên trong đức tin thì những ẩn dụ cũng sẽ lớn hơn và thêm đầy ý nghĩa hơn cho bạn. Cũng như thoạt đầu bạn nhìn thấy ẩn dụ chỉ có màu trắng và đen, nhưng từ từ khi đức tin của bạn lớn lên thì màu sắc bắt đầu được thêm vào và bức tranh trở nên sống động hơn.

Đôi khi Chúa Giê-xu giải nghĩa những ẩn dụ cho các môn đồ, cũng có lúc Ngài để cho họ tìm hiểu như những người khác. Chúng ta có thể thấy cả hai điều đó trong sách Ma-thi-ơ đoạn 13. Mỗi ẩn dụ làm sáng tỏ mỗi khía cạnh riêng của nước thiên đàng.

Ẩn dụ đầu tiên là thí dụ về người gieo giống, nó không giống như những thí dụ khác trong đoạn này, bởi vì nó nhấn mạnh vào sứ điệp hay là lời giảng về nước thiên đàng hơn là kể về nước thiên đàng. Và vì ẩn dụ này đã được Chúa Giê-xu giải nghĩa nên chúng ta không thấy khó hiểu.

Bằng cách điền vào chỗ trống cho những câu sau đây, bạn có thể theo dõi được những điểm chính của mỗi ẩn dụ. Xin Chúa mở rộng tầm nhìn của bạn về nước thiên đàng.

v          Lời rao giảng về nước thiên đàng giống như ______________________ đã được gieo ra. (câu 3-23)

v          Nước thiên đàng giống như là một ___________________ gieo giống ________________ trong _______________ mình. (câu 24-30)

v          Nước thiên đàng giống như một ____________________ mà người kia lấy gieo trong ruộng mình. (câu 31-32)

v          Nước thiên đàng giống như _________________ mà người đàn bà kia lấy _______________ vào trong ba đấu bột, cho đến chừng nào  ______________________. (câu 33)

v          Nước thiên đàng giống như __________________ chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia ____________ thì ____________, _____________________ mà trở về, ____________ mình, ____________ đám ruộng đó. (câu 44)

v          Nước thiên đàng lại giống như một _________________ kiếm ngọc châu tốt. (câu 45-46)

v          Nước thiên đàng cũng giống như một _______________ thả xuống biển, bắt đủ mọi thứ cá. (câu 47-50)

Bước Theo Đấng Christ

(Xin đọc đoạn 14 đến 16, nhất là ở đoạn 16:24-28)

Chúa Giê-xu dạy các môn đồ Ngài rất nhiều điều. Mỗi ngày ở bên Chúa họ học biết được nhiều về Ngài. Nếu chúng ta theo Chúa chúng ta là môn đồ của Ngài thì chúng ta cũng được học hỏi ở Ngài rất nhiều!

Trong đoạn này, Chúa Giê-xu đề cập đến những người thật sự mong muốn bước đi theo Ngài, thì họ phải từ bỏ chính mình, mang lấy thập tự giá (hay còn gọi là gánh nặng của đức tin) mà theo Ngài. Người ta có thể tấn công họ hoặc họ có thể bị bắt bớ vì cớ đức tin của mình. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra, vì quyền lực của thế gian luôn luôn chống nghịch lại Chúa Giê-xu.

Bạn có thể xem trước sách Tin Lành Giăng và hãy đọc những điều mà Chúa Giê-xu nói trong đoạn 15:18-20. Và bạn có thể xem lại những gì Chúa đã phán trong sách Ma-thi-ơ đoạn 5:11-12.

Chúa Giê-xu nói rõ nhiều lần rằng những ai sống trong sự ích kỷ, chỉ chăm lo dành dụm tiền bạc, hay thu trữ của báu của thế gian này, thì sẽ mất tất cả mọi thứ trong đời sau! Nhưng ai mất sự sống mình vì danh Ngài thì sẽ nhận được sự vinh hiển đời đời trong nước thiên đàng.

Vì vậy, thật chẳng có lợi ích gì cả nếu như họ đạt được cả thiên hạ mà lại đánh mất chính sự sống mình.

Đức Chúa Giê-xu đã nói cho con người biết chính Ngài là Con của Đức Chúa Trời, Đấng “sẽ ngự trong sự vinh hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên sứ, lúc đó, Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy  việc họ làm” (câu 27).

Một số người tin rằng trong câu này, Chúa Giê-xu đang ủng hộ ý kiến cho rằng chúng ta  được cứu do bởi làm những điều lành trong cuộc sống, nhưng khi bạn nghiên cứu TẤT CẢ những điều mà Chúa Giê-xu đã nói thì bạn sẽ thấy rõ rằng điều này là không đúng.

Ngài muốn nói rằng những ai thật sự tin cậy và đi theo Ngài thì SẼ sống một đời sống phục vụ những người khác, nghĩa là họ SẼ làm những việc lành. Họ không được cứu do bởi những việc làm đó, nhưng những việc làm đó chắc chắn sẽ bày tỏ ra rằng họ đã được cứu.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:

1. Đức Chúa Giê-xu muốn mọi người đi theo Ngài phải:

a) Từ bỏ điều mà họ tin nơi Ngài.

b) Từ bỏ chính họ và làm một cây thập tự giá để mang trên vai.

c) Từ bỏ chính họ và chịu đựng những điều xảy đến cho họ vì cớ đức tin của họ.

2. Đức Chúa Giê-xu đã nói rằng là người đó sẽ chẳng được lợi ích gì nếu như:

a) Người đó có được thế gian này, nhưng lại mất đi người vợ.

b) Người đó không dừng lại và ngửi những đóa hoa hồng trên đường.

c) Người đó có được toàn bộ thế gian này, nhưng lại mất đi sự sống.

Kết Luận

Đức Chúa Giê-xu thường dạy dỗ chúng ta bằng những ẩn dụ. Nói cách khác, việc thi hành chức vụ của Ngài chính là một ẩn dụ sống trong những khi Ngài dạy đạo, chữa bệnh, và thực hiện những phép lạ.

Trọn đời sống và chức vụ của Ngài đã nói lên cho con người biết Ngài là ai. Vậy bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi này chưa?

BÀI  BA

Giới Thiệu

Trong những bài học trước, chúng ta để ý thấy có một số câu hỏi người ta đã đặt ra để hỏi Chúa Giê-xu là ai. Và chúng ta cũng đã học được lời giải đáp cho những câu hỏi này rằng Ngài là Đấng đã ban phát những lời giảng dạy và cả những việc lành.

Trong bài ba này, chúng ta sẽ xem xét kỹ lưỡng về những ngày sau cùng trong chức vụ của Chúa Giê-xu trên đất và công việc chính yếu của Ngài – Sự cứu rỗi nhân loại.

Trước khi tiếp tục bài học, xin mời bạn đọc sách Ma-thi-ơ từ đoạn 17-25.

Chúa Giê-xu Vào Thành Giê-ru-sa-lem

(Xin đọc đoạn 21:1-11)

Chúa Giê-xu đã biết trước là Ngài sẽ bị một môn đồ phản bội. Ngài chỉ còn lại một thời gian ngắn ngủi trên đất nữa thôi trước khi Ngài bị giết. Ngài đã biết tất cả những việc này trước khi nó xảy ra (Lời Chúa phán trong Ma-thi-ơ đoạn 20:17-19 đã bày tỏ điều này) và Ngài đã chọn đi theo cách đó bởi vì đây chính là lý do Ngài đã đến thế gian.

Tại thành Giê-ru-sa-lem, có rất đông người đến dự lễ Vượt Qua. Đây là một trong những lúc người đàn ông Do Thái cần phải ra mắt tại đền thờ. Và dĩ nhiên là có nhiều người mang cả gia đình cùng đi, vì thế thành Giê-ru-sa-lem gần như bị nổ tung bởi đám đông nô nức này.

Khi Chúa Giê-xu gần đến thành, Ngài bảo hai môn đồ đi vào ngôi làng bên cạnh để tìm một con lừa cái và một con lừa con. Họ đã tháo dây ra, và dẫn chúng đến cho Ngài. Có một số người nói rằng Chúa Giê-xu không bao giờ cho mình là Đấng Cứu Thế, Ngài không bao giờ tự cho mình là Đức Chúa Trời. Sách Ma-thi-ơ cho chúng ta biết rõ tại sao Chúa Giê-xu muốn cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem: “Điều ấy  xảy ra để cho ứng nghiệm lời của đấng tiên tri...”. Sao chúng ta không trở lại phần Cựu Ước và đọc sách Xa-cha-ri đoạn 9:9, và sách Ê-sai đoạn 62:11, để thấy những lời tiên tri này đã thực sự nói như vậy.

Khi Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem, mọi người thấy Ngài thì bắt đầu tôn thờ Ngài và tung hô rằng: “Hô-sa-na, con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!”  Thật vậy những lời lẽ thốt ra từ miệng những người này: “Hô-sa-na con vua Đa-vít!” cho chúng ta thấy được họ đã tin vào Chúa Giê-xu rồi. Trong sách Ma-thi-ơ 22:41-42, Chúa Giê-xu đã đặt ra một câu hỏi cho các nhà lãnh đạo tôn giáo của người Do Thái về sự nhận biết Đấng Cứu Thế. Ngài hỏi họ rằng: “Về Đấng Christ các ngươi nghĩ thể nào? Ngài là con ai?”. Những người Pharisi đáp: “Con vua Đa-vít.”  Vậy khi mọi người đến tung hô Ngài “Hô-sa-na con vua Đavít,” thì họ đã tuyên xưng đức tin rằng chính Ngài là Cứu Chúa của họ rồi – là Đấng Mê-si hay Đấng Christ.

Những người bên trong thành và một số người mà họ chưa từng nghe về Chúa Giê-xu thì tự nhiên họ cũng lấy làm bối rối bởi những lời tung hô của đám đông đến dự lễ. Vì vậy cả thành Giê-ru-sa-lem đồn nhau sôi nổi và dân chúng ra sức kéo nhau đi theo Ngài để nhìn và lắng nghe những điều mà Người Đàn Ông này nói ra. Có lẽ họ cũng lấy làm ngạc nhiên về những điều mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đã đối đáp cùng Ngài.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:

1. Cách Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem thì:

a) Không được êm đềm lắm.

b) Ồn ào nhưng rất cần thiết.

c) Đã được các đấng tiên tri nói trước nhiều năm rồi.

2. Dựa vào phân đoạn này, đám đông đã thừa nhận về Chúa Chúa Giê-xu như thế nào?

a) Nhiều người trong số họ đã không biết được Ngài là ai và họ không thể không chú ý đến.

b) Họ nhìn nhận Ngài như là Đấng Mê-si – Đấng mà Đức Chúa Trời đã hứa ban.

c) Họ bắt đầu hô to rằng Ngài nên bị xử tội chết.

3. Câu hỏi làm xôn xao giữa vòng dân chúng đến dự Lễ Vượt Qua ấy là:

a) Khi nào chúng tôi ăn?

b) Đây là ai? Ngài là ai?

c) Như thế nào là Lễ Vượt Qua?

Những Điều Suy Gẫm ...

1. Nếu như Chúa Giê-xu cỡi trên lưng một con tuấn mã thay vì là một chú lừa con để vào thành Giê-ru-sa-lem thì Ngài sẽ tạo nên một ấn tượng khác như thế nào cho dân chúng?

2. Bạn nghĩ vì sao những tác giả các sách Tin Lành (như Ma-thi-ơ) đã nêu ra việc Chúa Giê-xu biết trước và đã bảo cho các môn đồ của Ngài là Ngài sẽ bị phản bội và sẽ bị giết tại thành Giê-ru-sa-lem, và ba ngày sau Ngài sẽ sống lại? Và tại sao đó lại là điều quan trọng cho chúng ta khi biết rằng Chúa Giê-xu đã biết trước được điều sắp xảy ra?

Bởi Quyền Lực Nào

Mà Bạn Làm Được Những Việc Này?

(Xin đọc đoạn 21-23)

Những người lãnh đạo tôn giáo đã bị choáng váng, họ đã bị xúc phạm bởi những lời tung hô của đoàn dân đông (trong sách Lu-ca 19:39-40 cũng có chép). Họ đã bị một đòn bẻ mặt khi Chúa Giê-xu đánh đuổi những kẻ đã dựng lên những cửa hàng trong khu vực của đền thờ (hiển nhiên là trước đó những nhà lãnh đạo tôn giáo này đã chấp thuận cho họ buôn bán tại đây). Và họ cũng chết điếng khi chứng kiến quyền năng chữa bệnh của Ngài.

Qua ngày hôm sau, khi Chúa Giê-xu trở lại đền thờ thì những nhà lãnh đạo tôn giáo đang chờ Ngài tại đó. Và dường như họ không muốn bị lập lại những sự việc xấu hổ của ngày hôm trước! Họ đợi cho đến khi đám đông tụ họp lại để nghe Ngài giảng và khi ấy họ sẽ tìm cách để làm cho Ngài mất uy tín trước công chúng. Họ hỏi: “Bởi quyền phép nào mà thầy làm những sự này và ai đã cho thầy quyền phép ấy?”. Hay nói một cách khác là họ muốn nói rằng: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ ở đây. Chúng tôi nói đúng là đúng và nói sai là sai. Nếu Đức Chúa Trời muốn phán dạy, Ngài sẽ phán qua chúng tôi”.

Thay vì trả lời trực tiếp, Chúa Giê-xu đã đặt lại một câu hỏi cho họ. Nếu như những nhà lãnh đạo tôn giáo không thể trả lời được câu hỏi về Giăng Báp-tít – hoặc SẼ không trả lời – Chúa Giê-xu biết rằng họ cũng sẽ không chấp nhận câu trả lời của Ngài về chính Ngài.

Sau đó, Ngài đã kể một câu chuyện (Ma-thi-ơ 21:28-32). Ý chính của Ngài là chỉ ra cho thấy có một số người thường nói họ làm việc cho Đức Chúa Trời, nhưng thật ra họ không làm gì cả! Họ không thật lòng muốn làm công việc này. Họ chỉ muốn được danh tiếng là “làm việc cho Đức Chúa Trời” mà thôi!

Còn một số người khác trước kia đã chối bỏ Chúa, nhưng sau đó họ đã ăn năn và sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà Đức Chúa Trời muốn họ làm.

Chúa Giê-xu đã áp dụng câu chuyện này để dạy cho các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy – nhiều người trong số họ đã nói là họ muốn làm công việc của Đức Chúa Trời, nhưng họ đã từ chối không chịu làm. Họ tự cho mình là tốt hơn những người khác bởi “địa vị cao cả” của họ. Nhưng Chúa Giê-xu phán rằng: “Những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm sẽ được vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi.”

Những người mà bị xem như là tội nặng thường thừa nhận sự phạm tội của mình, họ ăn năn thống hối và bước theo Chúa Giê-xu. Còn những ai đó nghĩ rằng họ là những người lãnh đạo tôn giáo cao trọng thì chính họ đã chối bỏ Chúa Giê-xu lâu rồi.

Để hiểu sâu hơn nữa trong vấn đề này, Chúa Giê-xu đã kể một ẩn dụ khác nhằm áp dụng trực tiếp đến chính Ngài và công việc của Ngài. Vậy sao chúng ta không đọc lại ẩn dụ này ngay bây giờ trong sách Ma-thi-ơ đoạn 21 từ câu 33 đến 43?

Đức Chúa Giê-xu đã minh họa hình ảnh Đức Chúa Trời, vị Cha Thiên Thượng như là một người chủ nhà hay chủ vườn, Ngài đã sai các đấng tiên tri đến để giúp con người có cái nhìn đúng đắn và có một tấm lòng hướng về Ngài, và để nhắc nhở họ phải đặt Ngài trên hết mọi điều trong cuộc sống. Tuy nhiên, con người mà Đức Chúa Trời hằng yêu thương đã nổi loạn chống nghịch lại Ngài và giết đi những tiên tri của Ngài. Cuối cùng, Đức Chúa Trời đã gửi chính Con độc sanh của Ngài đến với loài người. Họ đã nhận lấy Con của Ngài, biết Con Một ấy là ai, nhưng rồi họ cũng đã giết Con ấy. (Một lần nữa, hãy lưu ý Chúa Giê-xu đã diễn tả về những sự kiện sắp xảy đến như thế nào!)

Chúa Giê-xu kết thúc câu chuyện của Ngài bằng một câu nói: “cái địa vị” duy nhất là tuyển dân của Đức Chúa Trời mà người Do Thái đã có, và di sản khổng lồ của họ với tư cách là dân của Đấng Mê-si sẽ bị lấy đi khỏi họ và sẽ được ban cho “dân ngoại” (đây là từ ngữ được dùng trong Kinh Thánh để chỉ những ai không phải là người Do Thái).

Các nhà lãnh đạo tôn giáo vô cùng tức giận! Họ hiểu rõ ý mà Chúa Giê-xu nói đến, và họ biết mình đã bị làm bẽ mặt thêm một lần nữa trước đám đông. Mặc dù rất tức giận, nhưng họ không thể dùng biện pháp nào để chống lại Chúa Giê-xu ngay lúc đó được, vì rất đông dân chúng đã tôn Ngài như là một tiên tri đến từ Đức Chúa Trời vậy.

Họ đã tìm một cơ hội khác để làm cho dân chúng quay lại nghịch cùng Chúa Giê-xu. Họ sai một số người khác cố đánh lừa Chúa Giê-xu để Ngài nói ra những lời mà họ có thể buộc Ngài vào tội chống lại luật pháp. Chúa Giê-xu đã lần lượt ngăn cản được những âm mưu đó, và cuối cùng họ lại phải chịu xấu hổ trước dân chúng. Trong sách Ma-thi-ơ đoạn 22:46, chúng ta thấy rõ cuối cùng họ đã chịu thua.

Trong lúc Ngài ở giữa vòng dân chúng, thì họ không thể gài bẫy, hay là làm bất kỳ việc gì để hại Ngài được cả. Và họ cần có một kế hoạch để đem Ngài ở riêng một mình....

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn “Đ” (Đúng) hoặc “S” (Sai) cho mỗi câu sau đây:

1. Chúa Giê-xu không nói cho những nhà lãnh đạo tôn giáo biết bởi quyền năng nào mà Ngài đã dạy dỗ bởi vì Ngài không có chút quyền năng nào cả.                                                                                              Đ  -   S

2. Bạn nên bày tỏ cho người khác thấy mình là một người sẵn sàng, vui thích hầu việc Chúa (mặc dầu bạn không làm gì cho Chúa cả) hơn là cho họ thấy bề ngoài của bạn trông giống như  là một người đầy tội lỗi đã ăn năn (ngay cả nếu bạn đang làm theo ý muốn của Chúa).                                            Đ  -   S

3. Chúa Giê-xu là “hòn đá góc nhà” của tôi bởi vì Ngài là Đấng nắm giữ đời sống của tôi một cách liên tục.                                                                                  Đ  -   S

Những Điều Suy Gẫm ...

Có rất nhiều câu chuyện và ẩn dụ của Chúa Giê-xu dường như đã bày tỏ cho thấy rằng những người chối bỏ Ngài thì chính họ đều đã có sự nhận biết rất rõ Ngài là ai rồi. Thật vậy, không có gì khó mà không thể nhận biết được – chỉ vì họ không muốn nhìn nhận Ngài mà thôi. Bạn có nghĩ điều này hiện nay cũng xảy ra như  vậy không? Tại sao có và tại sao không?

Nỗi Đau Khổ Và Sự Trừng Phạt

(Xin đọc đoạn24-25)

Đây là thời điểm xảy ra rất nhiều điều lạ lùng, khó hiểu cho các môn đồ của Chúa Giê-xu. Họ bị áp đảo bởi sự phản ứng lại của dân chúng đối với Chúa Giê-xu và những lời giảng dạy của Ngài. Mỗi khi có một nhà lãnh đạo tôn giáo đến để tìm cách ngăn trở trong các buổi lễ thì Chúa Giê-xu đều đưa họ rời khỏi chỗ đó trong một tình trạng bị thất thế. Và trong buổi tiệc mừng lễ Vượt Qua, là ngày lễ kỷ niệm về sự giải cứu của Đức Chúa Trời cho dân Ngài thoát khỏi ách nô lệ – một thời điểm lý tưởng dành cho Đấng Mê-si đến để tiếp quản và bắt đầu sự cai trị của Ngài như là một vị Vua.

Các môn đồ đã có một cảm xúc mạnh mẽ và tự hào, và họ đã không thể không chia sẻ niềm hãnh diện của họ với Chúa Giê-xu khi họ đi giữa những công trình kiến trúc lộng lẫy xung quanh đền thờ. Trong sách Mác 13:1, bạn có thể nhận thấy được sự kinh ngạc trong giọng nói của họ, “Thưa thầy, hãy xem đá và các nhà này là dường nào”. Bạn có thể tưởng tượng được sự sửng sốt trên gương mặt của các môn đồ như thế nào không khi Chúa Giê-xu đáp lại rằng: “Rồi ra sẽ không còn một hòn đá sót lại trên một hòn khác nữa: cả thảy đều đổ xuống.”

Sau đó, họ lặng lẽ bước theo Chúa ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem và lên núi Ô-li-ve! Họ đang nghĩ đến sự vinh quang và một vương quốc đặt tại trung tâm thành phố Giê-ru-sa-lem với Chúa Giê-xu ngự trên ngai trong đền thờ và đương nhiên là mỗi người trong họ sẽ nắm giữ một chức vụ nào đó. Nhưng giờ đây Chúa lại nói rằng thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị TÀN PHÁ! và đền thờ sẽ bị PHÁ HỦY! Họ hoàn toàn bị bối rối bởi những lời này. Và điều này cũng đã xảy đến với một số tín đồ ngày nay khi họ nhận ra rằng sống theo Chúa thì KHÔNG có một đặc quyền hay vinh quang nào ở đời này cả.

Những thời kỳ khó khăn, lộn xộn vẫn còn sẽ xảy đến trên thế gian này, và Chúa Giê-xu đã báo trước cho các môn đồ khi mà họ cứ mãi lo nghĩ về phần lợi của mình.

Phần cuối của đoạn 24 và cả đoạn 25, liên hệ tới tính chất đúng đắn của đời sống Cơ Đốc nhân khi chúng ta tiến gần đến giai đoạn cuối cùng của đời này. Thay vì làm cho chúng ta lo sợ, hoang mang, Đức Chúa Trời của chúng ta đã kêu gọi những người tin theo Ngài hãy dùng những thông tin này như là một lời cảnh tỉnh để chúng ta càng đặt đức tin mạnh mẽ hơn vào Đấng sẽ đến để xét đoán nhân loại trong ngày cuối rốt.

Trong đoạn 25:31-46, Chúa Giê-xu đã mô tả sự xét đoán vào ngày tận thế với một hình ảnh thật sinh động. Tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ tụ họp trước mặt Ngài như người chăn tụ họp đàn gia súc của mình vào cuối ngày trước khi đưa chúng vào trong chuồng. Khi đó Ngài sẽ chia người này với kẻ khác, như là người chăn chia chiên với dê ra vậy.

Chiên (là những người tin Ngài) sẽ được để ở bên tay phải của Ngài, và sẽ được ban phước với quyền thừa kế nước thiên đàng. Chúa Giê-xu sẽ khen ngợi những hành động quên mình với những việc làm vì Danh Ngài cho những người khác. (Bởi những việc làm này - bằng sự phục vụ và đặt người khác trên hết - điều đó cho thấy được người này là môn đồ của Chúa Giê-xu).

Ngược lại, bên tay trái Ngài, chúng ta sẽ nhìn thấy được những con dê là những người nghe Chúa Giê-xu nói nhưng họ không bao giờ suy nghĩ đến việc giúp đỡ người khác trong lúc có cần. Họ chỉ lo nghĩ đến bản thân và điều đó thể hiện lòng ích kỷ của họ, thì họ sẽ KHÔNG phải là môn đồ của Chúa. Và họ cũng sẽ KHÔNG được hưởng nước thiên đàng đâu.

Một số người nhìn về Ngày Cuối Cùng ấy với một nỗi kinh hoàng, vì chẳng còn bao lâu nữa họ sẽ phải trình diện trước Đấng Chí Cao và Chúa của họ (thật đã có một số người đã lo sợ như vậy).

Thật là vui mừng cho những Cơ Đốc nhân, họ vinh dự được Chúa Giê-xu nhìn nhận những công việc nhỏ bé mà họ đã làm cho những người khác trong Danh của Ngài. Đó chỉ là ly nước cho đứa trẻ, một chiếc áo cho kẻ không nhà, một ít tiền cho người bạn bị bệnh. Và tất cả những việc làm đó đưa họ đến sự ban phước tuyệt vời của Đức Chúa Trời, được chép trong câu 40 “… hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:

1) Khi chúng ta trở thành môn đồ của Chúa Giê-xu, chúng ta có thể tin chắc rằng:

a) Chúng ta sẽ nhận hưởng được cuộc sống đời đời.

b) Chúng ta sẽ được làm chủ những người khác xung quanh mình.

c) Đời sống sẽ được thoát khỏi sự đau đớn và khổ cực.

2) Chiên được tách ra khỏi bầy dê và:

a) Họ có được sự sống đời đời là do những việc lành của họ.

b) Chiên là giống cái còn dê là giống đực.

c) Chúng tượng trưng cho những người tin Chúa, họ là người nhận được nước thiên đàng bởi đức tin và đã bày tỏ đức tin đó qua đời sống của họ.

Những Điều Suy Gẫm

Bạn phải làm gì để nghe được lời Chúa phán trong Ngày Cuối Cùng: “Hỡi các người được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất.”

(Hãy suy gẫm về ý nghĩa của từ “thừa hưởng” và về việc “sự thừa hưởng” này đã được sắm sẵn cho bạn ngay từ lúc ban đầu.)

Kết Luận

Khi Đức Thánh Linh cảm động lòng bạn để bạn tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình, Ngài cũng ban cho bạn sự sống đời đời. Nếu bạn tin Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, là Đấng cứu chuộc bạn khỏi tội lỗi, thì đó là một việc làm đúng đắn nhất của bạn ngay lúc này. Bạn nên cầu nguyện theo như những lời cầu nguyện sau đây hoặc một lời cầu nguyện giống như vậy bằng từ ngữ riêng của bạn:

Lạy Cha Thiên Thượng, con nhận biết mình là một tội nhân và con đã xa rời khỏi những gì Cha muốn con làm cho cuộc đời con. Con không thể tự cứu mình bằng năng lực và những việc làm riêng của con và con cũng không thể tự tìm cho mình được sự sống đời đời với Cha trên thiên đàng. Con cám ơn Chúa, vì Ngài đã sai con Ngài là Chúa Giê-xu đến thế gian để chết thay cho con và ban cho con một cuộc sống mới trong Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.

BÀI 4

Giới Thiệu

Chúng ta hãy nhìn lại những sự kiện đã xảy ra hơn 2000 năm về trước, tại một nơi cách xa hàng ngàn dặm đối với một người đàn ông, mà bản thân ông ta chưa từng rời khỏi nơi mình ở đến vài trăm dặm. Chính tại đây đã xảy ra những sự kiện ảnh hưởng đến cuộc đời của những con người thời đó và cho cả nhân loại ngày nay.  Đây là những sự kiện đã xảy ra với Chúa của chúng ta trong tuần lễ cuối cùng của Ngài trên đất này. Chúng ta đã học về tuần lễ bận rộn này trong bài ba. Và trong bài học thứ tư này, trước tiên chúng ta sẽ học về sự phản bội, kế đó là vụ xử án Chúa Giê-xu một cách trái luật pháp của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Nhưng trước khi đi vào sự kiện đáng buồn đó, là thời gian dành cho buổi lễ Vượt Qua.

Mời bạn đọc sách Ma-thi-ơ, đoạn 26 đến 28, trước khi chúng ta đi vào bài học.

Chúa Giê-xu Dự Lễ Với Các Môn Đồ Của Ngài

(Đoạn 26: 17-29)

Đã đến lúc ăn mừng lễ Vượt Qua. Đây là thời điểm để dân sự của Đức Chúa Trời tưởng nhớ lại tình yêu của Ngài và sự giải thoát họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Buổi tiệc đòi hỏi phải có con sinh của lễ Vượt Qua và một buổi ăn tối đặc biệt gồm có nhiều thức ăn, hầu nhắc dân sự nhớ lại tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho họ.

Chúa Giê-xu bảo các môn đồ chuẩn bị một nơi để dự tiệc cùng Ngài. Đang khi ăn thì Chúa Giê-xu nói cùng họ rằng có một người trong bọn họ sẽ phản Ngài. Lúc đó, họ vô cùng sửng sốt và ngạc nhiên, họ lần lượt hỏi Ngài: “Thưa thầy, có phải tôi không?”, “Chắc thầy không có ý nói tôi chứ!?”. Chúa Giê-xu đã biết những điều giấu kín trong lòng của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Ngài nói với ông ta là Ngài đã biết việc ông sắp làm.

Câu 26 nói về một điều rất đặc biệt mà Chúa đã làm trong lúc dự lễ Vượt Qua. Theo phong tục thì chủ nhà là người tạ ơn và bẻ bánh trong buổi tiệc. Nhưng ở đây Chúa Giê-xu lấy bánh không men bẻ ra và đưa cho các môn đồ mà phán rằng: “Hãy lấy ăn đi, này là thân thể ta”.

Theo nghi thức lễ Vượt Qua, các vị khách cũng sẽ được trao cho những chén rượu nho đặc biệt. Và Chúa Giê-xu cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn Đức Chúa Trời một lần nữa và trao cho các môn đồ. Lần này Ngài nói rằng: “Hết thảy hãy uống đi; vì này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội”.

                Cơ Đốc nhân gọi bữa tiệc này là Tiệc Thánh. Sau sự phục sinh của Chúa Giê-xu, mỗi khi các môn đồ và tất cả những người nhận biết Ngài là Cứu Chúa nhóm lại với nhau, họ đều dự tiệc này. Họ và cả CHÚNG TA nữa đều tin rằng trong buổi tiệc này, Chúa Giê-xu thật sự đã sử dụng chiếc bánh bị bẻ ra và rượu nho được ép chảy ra làm biểu tượng cho thân thể và huyết thánh của Ngài. Đây là sự mầu nhiệm vừa để kỷ niệm sự thương khó của Chúa, vừa là sự hiệp thông với thân và huyết của Chúa Giê-xu mà Phao-lô đã nhấn mạnh trong I Cô-rinh-tô 10:16-17.       

Một số Cơ Đốc nhân không ý thức tầm quan trọng của Lễ Tiệc Thánh, vì vậy họ đã vô tình xúc phạm đến thân và huyết của Chúa, họ phải gánh lấy sự xét đoán cho bản thân mình như Phao-lô đã cảnh cáo một số tín hữu ở thành Cô-rinh-tô trước đây (I Cô-rinh-tô 11:26-29).            

Những Điều Suy Gẫm …

Hãy đọc đoạn Kinh Thánh ghi lại lễ Vượt Qua đầu tiên (Sách Xuất Ê-díp-tô 12:1-28). Và xem thêm sách Giê-rê-mi 31:31-34). Phao-lô gọi Chúa Giê-xu  là con sinh Lễ Vượt Qua của chúng ta (I Cô-rinh-tô 5:7). Hãy đặt câu Kinh Thánh này cùng với lời của Chúa Giê-xu trong sách Ma-thi-ơ đoạn 26:17-29. Xin cho biết tại sao Lễ Tiệc Thánh lại quan trọng đến như vậy?

Chúa Giê-xu Trong Vườn Ghết-Sê-Ma-Nê

(Đoạn 26:30-46)

Sau khi dự lễ Vượt Qua và Tiệc Thánh với nhau, Chúa Giê-xu cùng các môn đồ rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem và đi đến gần bên núi Ô-li-ve. Tại đây có một khu vườn cũng giống như những khu vườn ngày nay.          Đây là một nơi hoàn toàn yên tĩnh để Chúa Giê-xu cầu nguyện với Cha Thiên Thượng về nỗi đau đớn và sự thử thách mà Ngài sắp phải trải qua.

                Đức Chúa Giê-xu đã nói với các môn đồ của Ngài rằng họ sẽ rời bỏ Ngài khi đêm đến. Và điều này đã làm ứng nghiệm lời tiên tri trong sách Xa-cha-ri 13:7. Tuy vậy, Ngài vẫn yêu thương họ và không rời bỏ họ. Ngài bảo với họ rằng sau khi Ngài sống lại từ cõi chết, Ngài sẽ gặp họ trong xứ Ga-li-lê. Dĩ nhiên là các môn đồ đã tìm mọi lý lẽ để chứng tỏ rằng họ sẽ KHÔNG BAO GIỜ rời bỏ Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng Chúa Giê-xu biết trước mọi việc sẽ xảy ra như vậy.

                Khu vườn mà Chúa Giê-xu chọn có tên là Ghết-sê-ma-nê. Ngài bảo các môn đồ ngồi đó và đợi Ngài, trong khi ấy Ngài dẫn Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi xa hơn một chút, rồi Ngài bước tới một quảng và sấp mình mà cầu nguyện. Chúa bảo ba môn đồ này phải tỉnh thức và cầu nguyện với Ngài về những điều sắp xảy đến.

                Phải để ý mới nhận ra những gì mà Chúa Giê-xu đã nói khi Ngài cầu nguyện với Đức Chúa Cha. Ngài đã biết nỗi đau đớn và sự thống khổ sẽ giáng trên Ngài - sự tra tấn bởi bàn tay của con người. Và vì Ngài muốn gánh lấy hậu quả cho TẤT CẢ mọi tội lỗi của con người, nên Ngài bằng lòng chịu sự trừng phạt kinh khiếp của Đức Chúa Trời giáng trên tội nhân! Vì vậy Ngài cầu nguyện rằng: Nếu có thể được, xin “chén” của sự thống khổ vì tội lỗi nhân loại lìa khỏi Ngài. Ngài đã cầu hỏi Đức Chúa Cha liệu có thể tìm một cách nào khác để hoàn thành công việc cứu chuộc nhân loại không. Và Đức Chúa Giê-xu đã kết thúc lời cầu nguyện của Ngài với những lời thật quan trọng, đó là Ngài xin ý Cha được nên, Ngài xin vâng phục Đấng đã sai Ngài đến thế gian. Chúa Giê-xu đã cầu nguyện ba lần, Ngài căng thẳng đến nỗi mồ hôi trở nên như những giọt máu lớn (Lu-ca 22:44). (Hiện tượng vật lý này chỉ xảy ra khi một ai đó đang ở trong tình trạng căng thẳng thần kinh dữ dội.) Ngay cả các môn đồ cũng không phải là niềm an ủi trong lúc bối rối này. Giữa mỗi lần cầu nguyện, Ngài đi trở lại chỗ Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng và mỗi lần Ngài đến đều thấy họ ngủ.

                Cuối cùng Ngài đánh thức họ dậy để trở lại cùng các môn đồ khác. Ngài nói rằng giờ gần đến vì Con Người sẽ bị nộp. Ngài không trốn chạy nhưng đã đi gặp kẻ phản bội Ngài.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn “Đ” (Đúng) hoặc “S” (Sai) cho mỗi câu sau đây:

1. Chúa Giê-xu tức giận bởi vì Ngài biết tất cả các môn đồ sẽ rời bỏ Ngài khi gặp khó khăn.         Đ  -  S

2. Qua câu trả lời của Phi-e-rơ cho thấy ông thật sự không hiểu rằng điều gì sắp xảy ra cùng những gì đã được báo trước sẽ xảy đến thì bây giờ những điều đó hiện đang xảy đến để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.

                                                                        Đ  -  S 3. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê dạy cho chúng ta rằng sự vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời thì quan trọng hơn đi theo ý riêng của mình.                                                Đ  -  S

Những Điều Suy Gẫm …

1. Trong Ma-thi-ơ 16:21-23, Đức Chúa Giê-xu nói với các môn đồ rằng Ngài sẽ phải chịu khổ, chịu chết và sống lại. Chúng ta thấy Phi-e-rơ phản ứng chẳng khác gì cách ông đã làm khi Chúa Giê-xu nói với các môn đồ là chính họ sẽ bỏ Ngài (Ma-thi-ơ 26:30-35). Hãy xem thái độ nghiêm khắc của Chúa Giê-xu trong 16:23. Vậy, bạn nghĩ tại sao trong phân đoạn 26:30-35 Chúa không đối kháng với Phi-e-rơ giống như vậy?

2. Trong phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy hai bản tánh của Chúa Giê-xu, đó là Ngài vừa thật là Đức Chúa Trời vừa là con người. Điều này được bày tỏ như thế nào?

Đức Chúa Giê-xu Bị Phản Bội!

(Đoạn 26:47-56)

Đức Chúa Giê-xu đã biết trước Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là kẻ phản Ngài. Giu-đa đi đến cùng với đám quân lính và những nhà lãnh đạo tôn giáo. Bọn chúng cầm gươm và gậy trên tay vì lo sợ rằng Chúa Giê-xu và các môn đồ Ngài sẽ chống đối lại. Vì lúc ấy là ban đêm và trong vườn thì tối, nên Giu-đa đã cho bọn chúng một dấu hiệu là hễ ông ôm hôn người nào thì người ấy chính là Chúa Giê-xu. Đối với những người này thì câu hỏi không phải là, “Chúa Giê-xu là ai?” nhưng đúng hơn là “Người nào là Giê-xu?”.

Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã trả lời câu hỏi của bọn chúng bằng một cái hôn. Và chúng đã xông đến bắt Chúa Giê-xu. Một trong các môn đồ đã rút gươm ra và chém đứt một cái tai của đầy tớ thầy cả thượng phẩm. Chúa Giê-xu quay lại và ra lệnh cho môn đồ đó nạp gươm vào vỏ. Ngài nhắc nhở các môn đồ rằng Ngài sẵn lòng đi theo bọn họ. Và nếu như Ngài thật sự muốn trốn thoát Ngài có thể cầu xin Cha Thiên Thượng, và ngay lập tức 12 đạo binh thiên sứ (tương đương 72.000 thiên sứ) sẽ được phái đến để giúp Ngài. Trong câu 54, Chúa Giê-xu đã chỉ ra là nếu Ngài làm như vậy thì lời Kinh Thánh và tiên tri nói trước về Ngài sẽ không được ứng nghiệm. Khi ấy, các môn đồ hoảng sợ bởi những sự việc đang xảy ra và họ đã bỏ chạy. Chúa Giê-xu đã bị họ ruồng bỏ y như lời Ngài đã nói với họ.

Những Điều Suy Gẫm ...

Hành động rút gươm bảo vệ Chúa Giê-xu của một môn đồ thì dường như là một việc làm hợp lý … tuy nhiên Chúa Giê-xu đã quở trách người đó. Có bao giờ bạo lực có giá trị trong công việc của Hội Thánh chăng?

Phi-e-rơ Đã Tìm Thấy Chân Lý

Trong Lời Đức Chúa Giê-xu

(Đoạn 26:57-75)

Đức Chúa Giê-xu bị đám đông bắt mang đến nhà Cai-phe, là thầy cả thượng phẩm của dân Giu-đa. Theo luật pháp thì các nhà lãnh đạo tôn giáo bị cấm tổ chức phiên tòa vào ban đêm, nhưng vì họ căm ghét Chúa Giê-xu và muốn loại bỏ Ngài càng nhanh càng tốt. Họ bày đặt ra lời buộc tội để có thể kết án Ngài vào phiên xử sáng ngày mai. Họ tụ họp nhiều kẻ làm chứng dối đối nghịch cùng Ngài, nhưng họ không thể tìm ra được hai người có cùng một bằng chứng. Cuối cùng, hai người đàn ông đến và nói rằng Chúa Giê-xu đã tuyên bố là Ngài có thể phá đền thờ và xây lại trong vòng ba ngày. (Việc này được xem là phạm tội chống lại Đức Chúa Trời đối với người Giu-đa nào nói nghịch cùng đền thờ.)

                Đức Chúa Giê-xu không đáp lại những lời buộc tội của họ, và điều này làm cho thầy cả thượng phẩm tức điên lên! Vì thế, trong sự bực tức, thầy cả thượng phẩm buộc Chúa Giê-xu phải thề để nói cho họ biết Ngài có phải là “Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời” không? Đức Chúa Giê-xu đã trả lời “Phải”. Khi thầy cả thượng phẩm nghe được câu này từ miệng Chúa Giê-xu nói ra, thì ông ta biết rằng họ đã có cớ để buộc tội Ngài. Chúa Giê-xu đã tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời. Và vì một người Giu-đa tự cho mình ngang hàng với Đức Chúa Trời thì bị coi là phạm thượng và có thể bị phạt tội chết, nên các nhà lãnh đạo tôn giáo vô cùng vui mừng vì lẽ nhiệm vụ của họ đã hoàn thành, họ đã trải qua những giờ phút hành hạ Đấng mà họ khinh thường.

Một vài môn đồ đi theo đám đông để xem bọn họ mang Chúa đi đâu. Khi ấy, Phi-e-rơ ngồi đợi ở ngoài sân nhà của thầy cả thượng phẩm. Ông không thể biết việc gì đang xảy ra trong nơi xét xử, nhưng ông muốn ở gần đó. Ngay khi ấy, ông gặp phải một người phụ nữ, người này nói rằng bà ta biết ông là bạn của Chúa Giê-xu. Phi-e-rơ  đã chối và bỏ đi. Một người phụ nữ khác thấy ông và cũng nói như vậy. Phi-e-rơ đã rủa mà thề và chối rằng ông không biết Chúa Giê-xu. Sau đó, một nhóm người tụ tập chung quanh ông nói rằng họ có thể nhận ra ông là người của Chúa bởi giọng nói của ông chứng tỏ ông đến từ xứ Ga-li-lê (Chúa Giê-xu cũng đến từ Ga-li-lê). Vì thế họ khẳng định ông PHẢI là một trong số những người đi theo Chúa. Thêm một lần nữa Phi-e-rơ lại chối bỏ Chúa Giê-xu bằng những lời gay gắt, giận dữ và sai quấy.

Vừa lúc dứt lời chối Chúa thì Phi-e-rơ nghe tiếng gà gáy. Ông nhớ lại những gì mà Chúa đã nói và ông đã đáp lời Ngài như thể nào! Ông đã chạy khỏi đó và khóc lóc một cách đắng cay.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:

1. Tại sao các nhà lãnh đạo Do Thái có ý định tử hình Chúa Giê-xu?

a-   Vì Ngài đem đền thờ ra làm trò đùa.

b-   Vì Ngài không trả lời với thầy cả thượng phẩm.

c-   Vì Ngài nói rằng: Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời.

2. Sau khi quyết định tử hình Chúa Giê-xu, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã:

a-   Biểu lộ sự ngạc nhiên bởi vì họ nghĩ Ngài là một người tử tế.

b-   Họ đã trút cơn giận trên Ngài bằng cách nhổ nước bọt trên mặt Ngài, đấm Ngài và vả vào má Ngài.

c-   Cầu nguyện cho ý Chúa được nên trong vấn đề này.

3. Trong khi chờ đợi Chúa ở ngoài sân của thầy cả thượng phẩm, Phi-e-rơ đã:

a-   Đánh vài người đã bắt giữ Chúa Giê-xu.

b-   Nói cho những người khác biết về Cứu Chúa của họ.

c-   Nguyền rủa, thề và chối Chúa mặc dù ông biết rõ Ngài.

Những Điều Suy Gẫm ...

Trong đoạn ghi lại sự chối Chúa của Phi-e-rơ, tác giả sách Tin Lành Lu-ca đã kể từng chi tiết như sau:

“Nhưng Phi-e-rơ cãi rằng: Hỡi người, ta không biết ngươi nói chi! Đương lúc Phi-e-rơ còn nói, thì gà liền gáy; Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa đã phán cùng mình … ” (Lu-ca 22:60-61).

                Phi-e-rơ đã nhìn thấy điều gì biểu lộ trên khuôn mặt của Chúa? Bạn nghĩ Phi-e-rơ đã cảm thấy như thế nào?

Kết Luận

Suốt tuần lễ sau cùng trong chức vụ, Chúa chúng ta phải đương đầu với các nhà lãnh đạo tôn giáo hung dữ và sự biết trước về những gì mình phải chịu đau đớn. Dầu vậy, sự quan tâm của Ngài vẫn luôn hướng về mọi người – là những đám đông vây quanh Ngài và dĩ nhiên là cả các môn đồ của Ngài nữa. Những lời trong sách Giăng 3:16 đã tóm tắt tình yêu đã được bày tỏ bởi Chúa chúng ta: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời." Sự sống đó được dành cho bạn và tôi trong danh Đức Chúa Giê-xu.

BÀI 5

Giới Thiệu

                Bây giờ chúng ta đang đi đến đỉnh của bài nghiên cứu cho câu trả lời “Chúa Giê-xu là ai?”. Tất cả những gì mà chúng ta đã đọc đến đây trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ bây giờ sẽ chỉ rõ cho chúng ta. Trong bài học thứ năm và là bài học cuối cùng này, chúng ta sẽ theo chân Chúa Giê-xu đến phiên xử “chính thức” Ngài trước tổng đốc Phi-lát, sự chết và chôn Ngài, sự phục sinh của Ngài trong ngày thứ nhất của tuần lễ, và sự thăng thiên về nước thiên đàng của Ngài.

                Mời bạn đọc Ma-thi-ơ đoạn 27 và 28.

Xử Án Và Tra Tấn

(Đoạn 27:1-31)

                Vì các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái không thể tử hình Chúa Giê-xu mà không có sự chấp thuận từ phía nhà cầm quyền La-mã đang cai trị trong xứ, nên họ dẫn Chúa Giê-xu đến cùng Phi-lát, một quan chức La-mã.

                Trong khi đó, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt kẻ phản Ngài đã hối hận về việc mình làm. Dường như ông ta chỉ muốn Chúa Giê-xu bị bắt giữ mà thôi, và ông rất đỗi kinh ngạc khi dân Giu-đa kết án tử hình Ngài. Ông hối tiếc về hành động của mình và cố xóa đi việc đó bằng cách trả lại số tiền ông đã nhận được từ sự phản bội ấy. Nhưng các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái không quan tâm đến sự cảm nhận tội lỗi của ông. Họ nói với ông rằng ông phải tự gánh chịu điều đó. Ông không thể chịu nỗi và cũng không tin rằng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho ông về một hành động như vậy. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã sai lầm trầm trọng.

                Hãy đọc lời của Phao-lô viết trong I Ti-mô-thê 1:12-15 về tội lỗi mà Phao-lô đã làm và về tình yêu cao cả của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đối với ông.

                Trong câu 11, Ma-thi-ơ một lần nữa đề cập đến việc xét xử Chúa Giê-xu trước mặt Phi-lát. Dân Giu-đa đã nói với Phi-lát rằng: Chúa Giê-xu từng tuyên bố Ngài là vua của họ. Phi-lát hỏi riêng Chúa Giê-xu về điều này và Ngài đã đáp rằng: Thật vậy, Ngài chính là vua của dân Giu-đa. Nhưng khi các lời chứng dối bắt đầu kêu lên thì Ngài không đối đáp gì hết.

                Phi-lát nhớ lại một thông lệ hàng năm vào thời điểm này, ông có thể tha cho một tù nhân như là một biểu hiện lòng nhân đạo của chính quyền La-mã đối với dân chúng. Phi-lát  đã mang Ba-ra-ba, một tên tội phạm nổi tiếng, đến trước dân chúng cùng với Chúa Giê-xu. Ông nghĩ chắc chắn là dân chúng sẽ yêu cầu tha cho Chúa Giê-xu thay vì tên cướp đầy tội ác kia. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng các thầy tế lễ cả và các trưởng lão của dân Giu-đa đã xúi giục dân chúng xin tha cho Ba-ra-ba và hình phạt đóng đinh Chúa Giê-xu. Phi-lát biết Chúa Giê-xu không làm điều gì sai trái cả, nhưng khi ông cố giải thích cho dân chúng biết điều này, thì họ bị xúi giục kêu la càng lớn hơn rằng phải tử hình Chúa Giê-xu.

                Phi-lát và dân Giu-đa dĩ nhiên không bao giờ thuận nhau. Vì vậy, ông bắt đầu lo sợ một cuộc nổi loạn sẽ xảy ra. Nên ông đã quyết định tốt hơn hết là đứng về phía lẽ phải bằng cách rửa tay khỏi toàn bộ sự kiện này, vì làm như vậy ông sẽ không mắc tội nghịch lý, nhưng ông đã sai lầm. Chúa Giê-xu có phán: “Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu hiệp với ta, thì tan ra” (Ma-thi-ơ 12:30).

                Quân lính dẫn Chúa Giê-xu vào công đường, tại đó, một lần nữa Ngài đã bị tra tấn và sỉ nhục. Chúng xé rách quần áo Ngài để lộ ra thân thể bị đánh đập đầy thương tích. Quân lính La-mã (những người luôn bị dân Do Thái chửi mắng) khoác cho Ngài một chiếc áo điều, ấn mạnh chiếc mão gai lên đầu Ngài và chúng đã trút bỏ những năm tháng hằn học lên vị “Vua dân Giu-đa” này. Cuối cùng, chúng mặc lại cho Ngài bộ đồ tơi tả và dẫn Ngài đi đến chỗ đóng đinh.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn “Đ” (Đúng) hoặc “S” (Sai) cho mỗi câu sau đây:

1. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt không được tha thứ vì ông đã phản Chúa Giê-xu.                                            Đ -  S

2. Phi-lát được tha bởi vì ông đã rửa tay về việc xử án này.                                                              Đ -  S

3. Dân Giu-đa không bao giờ có thể được cứu vì họ đã nói rằng huyết của Chúa Giê-xu (tội) sẽ phải đổ lại trên họ và con cái họ.                                   Đ -  S

Những Điều Suy Gẫm …

1. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản bội Chúa Giê-xu, Phi-e-rơ thì chối Ngài. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đầy sự hối hận, Phi-e-rơ thì khóc lóc đắng cay. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã treo cổ tự tử còn Phi-e-rơ vẫn sống tiếp tục để trở thành một sứ đồ và là nhà lãnh đạo vĩ đại của Hội Thánh. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt này?

2. Mời bạn đọc Phi-líp 2: 5-11. Xin hãy so sánh và nêu rõ những điểm nổi bật khác nhau với Ma-thi-ơ 27: 27-31.

“Thật Người Này Là Con Đức Chúa Trời!”

 (Đoạn 27: 32-66)

                Đức Chúa Giê-xu bị bắt phải vác lấy cây thập tự đến nơi đóng đinh Ngài. Ngài đã kiệt sức. Có một người đàn ông tên là Si-môn, đến thành Giê-ru-sa-lem để bán hàng hóa cho những người đi dự lễ Vượt Qua. Khi Chúa Giê-xu và các tên lính đi ngang qua, Si-môn đang đứng bên cạnh đường. Lúc ấy Chúa Giê-xu quỵ ngã bởi sức nặng của cây thập tự và Si-môn đã bị bọn lính ép buộc phải vác thay cho Ngài.

                Khi Chúa Giê-xu đến nơi để chịu chết, họ đưa cho Ngài một cốc rượu đắng như là một chất gây mê. Ngài đã từ chối uống. Ngài biết Ngài phải chịu đựng đến cùng tất cả những sự đau đớn. Quân lính lại lột áo xống Ngài một lần nữa và đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Hàng thế kỷ trước đó, vua Đa-vít đã viết Thi Thiên 22, một thi thiên về sự chịu khổ tột bực, trong đó ông có lời tiên tri về sự kiện đóng đinh Chúa Giê-xu. Hãy đọc thi thiên này và để ý kỹ từ câu 1-18.

                Theo thông lệ thì phải đặt trên mỗi cây thập tự một cái bảng ghi rõ tội của người bị hành hình. Phi-lát đã ra lệnh đặt một bảng ghi án Chúa Giê-xu là: “NGƯỜI NÀY LÀ GIÊ-XU, VUA DÂN GIU-ĐA.”

                Những kẻ đi ngang qua thấy Chúa bị treo trên cây thập tự thì cười chế nhạo Ngài. Họ nói với Ngài rằng Ngài không thể tự cứu lấy mình, vậy mà Ngài đã hứa sẽ phá hủy đền thờ và xây nó lại trong ba ngày! Họ quát tháo Ngài rằng nếu Ngài thật sự là con Đức Chúa Trời thì hãy xuống khỏi cây thập tự đi, thì họ mới tin Ngài (Hãy để ý những lời này thật giống như lời của Sa-tan đã cám dỗ Đức Chúa Giê-xu trong đồng vắng vậy! {Ma-thi-ơ đoạn 4}). Chúa Giê-xu biết đây là chương trình của Đức Chúa Trời để cho Con Ngài phải chết trên thập tự giá và gánh chịu sự trừng phạt vì tội lỗi của cả nhân loại.

                Cái chết trên cây thập tự thật quá tàn bạo, nhưng nó lại được sử dụng phổ biến trong thời Chúa Giê-xu. Đó là cái chết từ từ rất là đau đớn. Đây là một trong những phương cách hành hình tàn bạo nhất mà loài người đã dùng. Và đó cũng là hình thức của cái chết mà Đức Chúa Trời đã chọn cho Con Ngài –  cái chết rất nhục nhã và đau đớn nhất. Nhưng sự đau đớn về thể xác và tinh thần chỉ là một phần nhỏ trong số những điều mà Chúa Giê-xu đã gánh chịu.

                Một bóng tối dày đặc đã bao phủ khắp xứ từ giờ thứ sáu (giữa trưa khoảng 12 giờ) đến giờ thứ chín (3 giờ chiều). Đây KHÔNG PHẢI là hiện tượng nhật thực - mà đơn giản là mặt trời không chiếu sáng nữa! Trong bóng tối ảm đạm ấy, một giọng nói vang lên: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”. Đức Chúa Giê-xu đã bị Đức Chúa Cha từ bỏ hoàn toàn! Chúa Giê-xu đã phải gánh chịu tất cả sự đau đớn và khổ nhục bởi tội lỗi của loài người như cảnh ĐỊA NGỤC khổ hình.

                Không một ai có thể tưởng tượng được việc phải trải qua khi bị Đức Chúa Trời từ bỏ hoàn toàn. Đó là nơi địa ngục tăm tối. Và bởi vì Đức Chúa Giê-xu đã gánh chịu việc đó, nên không một ai cần phải chịu đựng điều đó một lần nữa! Đức Chúa Giê-xu đã trút hơi thở cuối cùng và mọi việc đã xong. Ngài đã làm trọn sự công bình mà Đức Chúa Trời đòi hỏi.

                Cái giá chuộc cho tội lỗi của con người đã được trả, chỉ một lần là đủ cả. Khi Đức Chúa Giê-xu trút hơi thở cuối cùng, cái màn nặng và dày treo trong đền thờ bị xé ra làm đôi từ trên xuống dưới như là một dấu hiệu về những gì đã xảy ra. Cái màn này tượng trưng bức tường chia cách con người đầy tội lỗi với nơi Chí Thánh - là nơi mà Đức Chúa Trời ngự. Đức Chúa Giê-xu đã loại bỏ vĩnh viễn bức tường ngăn cách đó rồi. Đức Chúa Trời cũng bày tỏ điều này qua một cơn động đất dữ dội. Nhiều mồ mả của những người tôn thờ Chúa đã được mở ra và họ sống lại từ cõi chết. Ê-sai đoạn 26 câu 19 thật là lời tiên tri đã nói trước đến vấn đề này.

                Một chỉ huy lính La-mã là thầy đội, có nhiệm vụ trong việc đóng đinh Chúa Giê-xu, ông ta đã từng chứng kiến quá nhiều cái chết như thế. Nhưng sau khi quan sát tất cả những điều xảy đến trong lúc Chúa Giê-xu chịu chết, thì ông sợ hãi và la lên rằng: “Thật người này là Con Đức chúa Trời!”.

                Theo luật của người Giu-đa thì không được phép treo ai trên cây thập tự vào ngày Sa-bát cả. (Ngày Sa-bát bắt đầu vào buổi tối thứ sáu lúc mặt trời lặn). Chúa Giê-xu chết vào khoảng 3 giờ chiều ngày thứ sáu. Khi chiều tối đến, có một người đàn ông tên là Giô-sép (là một môn đồ của Chúa Giê-xu)  đi đến gặp Phi-lát và xin phép để được chôn Chúa Giê-xu trong ngôi mộ của riêng mình. Phi-lát đã cho phép ông làm việc đó. Thế là, Giô-sép đã bọc xác Ngài trong tấm vải liệm trắng và đặt vào trong ngôi mộ đá mới. Vì mặt trời sắp lặn, nên việc ướp xác bằng hương liệu sẽ được tiến hành sau ngày Sa-bát. Cho nên ông đã lăn một hòn đá lớn đến để đóng cửa ngôi mộ lại.

                Qua ngày hôm sau, các thầy tế lễ cả và những người Pha-ra-si là những kẻ chống nghịch Đức Chúa Giê-xu, đến xin Phi-lát cho lính canh gác ngôi mộ của Ngài, họ nghi sợ các môn đồ của Ngài sẽ đến trộm xác Ngài đi. Phi-lát cho một toán lính canh giữ và niêm phong mộ Ngài một cách kỹ lưỡng để không một ai có thể lẻn vào bên trong mộ được.

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn câu trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau đây:

1. Bị xử  án treo trên cây thập tự giá, đó là:

a-   Cách tử hình vô cùng tàn bạo và nhẫn tâm.

b-   Cách tử hình đầy vinh dự.

c-   Cách tử hình ít bị đau đớn hơn những cách khác.

2. Những người đi ngang qua chỗ Chúa Giê-xu bị đóng đinh đã:

a-   La hét ồn ào với những tên lính ở gần đó.

b-   Nói với Ngài những lời tương tự như ma quỷ đã nói trong đồng vắng.

c-   Xin Ngài tha thứ cho họ.

3. Khi Đức Chúa Giê-xu lớn tiếng kêu lên rằng: “Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni?”, Ngài đang:

a-   Kêu cầu Đức Chúa Trời, hỏi rằng tại sao Đức Chúa Trời đã lìa bỏ Ngài.

b-   Kêu cầu Ê-li đến giải cứu Ngài.

c-   Kêu cầu những người lính mang cho Ngài nước để uống.

4. Phi-lát đặt những người lính canh ngôi mộ của Chúa Giê-xu để:

a-   Bảo đảm rằng sẽ không có ai đến để lấy cắp xác Ngài.

b-   Họ sẽ là những người đầu tiên chứng kiến sự phục sinh của Chúa Giê-xu.

c-   Bảo vệ xác Chúa Giê-xu khỏi những kẻ thù nghịch Ngài.

Những Điều Suy Gẫm …

1. Đọc trong Giăng 19:30, ta thấy Giăng là người đứng cạnh thập tự giá và đã nghe được điều Chúa Giê-xu nói trước khi Ngài trút hơi thở cuối cùng: “Mọi việc đã được trọn!”. Bạn nghĩ Chúa Giê-xu muốn nói về điều gì?

2. Có một số người cho rằng Chúa Giê-xu không chết trên thập tự giá, Ngài chỉ ngất đi thôi và sau đó sẽ tỉnh lại. Việc Phi-lát cho lính canh giữ và niêm phong ngôi mộ SAU cái chết của Đấng Christ xác nhận điều gì đối với sự kiện rằng Chúa Giê-xu thật đã chết?

Theo Bạn Chúa Giê-xu Này Là Ai?

(Đoạn 28:1-20)

                Vào buổi sáng Chúa Nhật, là ngày thứ ba sau khi Đấng Christ chết, lúc tờ mờ sáng, có Ma-ri Ma-đơ-len và “Ma-ri khác,”  cả hai đều là những người tin theo Chúa Giê-xu đến thăm mộ Ngài. Thình lình, có một cơn động đất dữ dội, và một thiên sứ của Chúa từ trời xuống lăn hòn đá trước cửa ngôi mộ ra và ngồi lên trên hòn đá ấy. Hình dong của thiên sứ giống như chớp nhoáng và áo trắng như tuyết. Những người lính canh La-mã quá sợ hãi đến nỗi họ không thể chuyển động được! Song thiên sứ nói cùng các người đàn bà và bảo với họ rằng đừng sợ hãi, vì Đức Chúa Giê-xu, Đấng đã bị đóng đinh không còn ở đây nữa. NGÀI ĐÃ TỪ KẺ CHẾT SỐNG LẠI!

                Những người đàn bà ấy đã được thiên sứ bảo hãy nhìn vào bên trong ngôi mộ trống và sau đó thiên sứ bảo họ đi đến nói với các môn đồ của Đức Chúa Giê-xu rằng Ngài đã sống lại rồi và sẽ gặp họ ở xứ Ga-li-lê - NHƯ LỜI NGÀI ĐÃ PHÁN! Thật là việc khó tin đã được xảy ra. Họ thật sự vui mừng quá đỗi! Giờ họ đã biết rõ tất cả những điều Ngài nói đều là SỰ THẬT. Họ chạy ra khỏi ngôi mộ và suýt nữa vấp té khi bỗng nhiên gặp Đức Chúa Giê-xu đứng trước mặt mình. Một lần nữa, họ thật không tin vào mắt mình! Họ vội quỳ xuống chân Ngài và thờ lạy Ngài.

                Họ biết Ngài là Con của Đức Chúa Trời và biết Ngài đã hoàn thành kế hoạch của Đức Chúa Trời để cứu chuộc con người ra khỏi tội lỗi. Ngài đã chiến thắng quyền lực của sự chết, quyền lực của tội lỗi, và quyền lực của ma quỷ. Ngài nhấn mạnh một lần nữa rằng họ phải đi báo cho các môn đồ là Ngài sẽ gặp các môn đồ trong xứ Ga-li-lê.

                Một số lính canh ở tại ngôi mộ đã chứng kiến sự phục sinh của Chúa Giê-xu, họ vội đi báo cho các thầy tế lễ cả mọi điều đã xảy ra. Họ cũng trở thành những người làm chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu cho những kẻ giết Chúa. Những nhà lãnh đạo ấy cho tiền những người lính đó và bảo họ phao tin với dân chúng rằng: trong khi họ canh gác và ngủ quên, thì các môn đồ của Chúa Giê-xu đến lấy trộm xác Chúa đi mất. Những người lính canh đó nhận tiền và làm y như vậy.

                Mười một môn đồ (vì Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là môn đồ thứ 12 đã treo cổ tự tử) đi đến xứ Ga-li-lê và gặp Chúa Giê-xu trên một ngọn núi. Tại đây, Ngài hiện ra giữa vòng các môn đồ, mặc dù trong số họ có vài người nghi ngờ, nhưng họ thấy Ngài thì thờ lạy Ngài. Đức Chúa Giê-xu có một thông điệp cuối cùng cho họ và một công tác mà ngày nay mọi người tin Chúa đều phải thực hiện. Ngài tuyên bố rằng Ngài đã nhận lại quyền phép và quyền cai trị mà Ngài đã có từ trước và khi Đức Thánh Linh được Ngài sai đến, các môn đồ sẽ đi khắp thế gian để làm phép báp-têm trong danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh, và dạy dỗ muôn dân Chân Lý của Ngài. Môn đồ của Ngài sẽ không bao giờ ra đi cô độc một mình trên thế giới này, vì những lời cuối cùng của sách Ma-thi-ơ đã ghi lại lời hứa của Chúa Giê-xu rằng: “Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”

Ôn Tập

Xin chọn và khoanh tròn “Đ” (Đúng) hoặc “S” (Sai) cho mỗi câu sau đây:

1. Đức Chúa Giê-xu thoát ra khỏi ngôi mộ được là nhờ thiên sứ đến lăn hòn đá đi.                    Đ -  S

2. Những người lính canh bỏ chạy trốn trong sự sợ hãi khi họ nhìn thấy thiên sứ.                       Đ -  S

3. Đức Chúa Giê-xu đã phán cùng các môn đồ rằng bây giờ Ngài đang thi hành nhiệm vụ và họ phải thiết lập một vương quốc cho Ngài trên đất này.

Đ -  S

4. Đức Chúa Giê-xu luôn ở cùng chúng ta.   Đ -  S

Những Điều Suy Gẫm …

Theo bạn nghĩ “CHÚA GIÊ-XU NÀY LÀ AI?”.

Kết Luận

Ma-thi-ơ đã làm chứng cho Đức Chúa Giê-xu Christ. Ngay lúc bắt đầu của sách Tin Lành, ông đã nói với chúng ta rằng Chúa Giê-xu đến thế gian này để cứu chuộc con người ra khỏi tội lỗi. Qua những hành động tuyệt vời của Chúa Giê-xu, qua những phép lạ của Ngài, những lời quyền năng, chân lý, cuộc sống gương mẫu, và qua sự chết và sống lại của Chúa chúng ta có thể thấy công việc của Đức Chúa Trời một cách rõ ràng.

Trong Ma-thi-ơ 16:15, Đức Chúa Giê-xu đã hỏi: “Còn CÁC NGƯƠI thì xưng ta là ai?”.

Chúng tôi cầu nguyện để câu trả lời của bạn cũng sẽ được lập lại như câu của Phi-e-rơ: “Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống.”

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                

 

 

 

 

 

 

 


CÁC SẢN PHẨM KHÁC
365 Câu Chuyện Kinh Thánh Cho Thiếu Nhi
365 Tia Sáng 1
365 Tia Sáng 2
Xuất Êdíptô Ký
Lêvi Ký
Dân Số Ký
Phục Truyền Luật Lệ Ký
Giô-suê
Các Quan Xét
Công Vụ Các Sứ Đồ 1-12
Công Vụ Các Sứ Đồ 13-28
Rôma
I-II Cô-rinh-tô
Ga-la-ti
Ê-phê-sô
Xoa Dịu Tấm Lòng Bất An
Năng Lực Trong Lời Cầu Nguyện Của Người Vợ
Thánh Kinh Tra Cứu Nhanh Theo Chủ Đề
Ngôn Ngữ Của Chúa - Những Bằng Chứng Khoa Học Về Đức Tin
Tất Cả Của Tôi Cho Sự Cao Cả Của Ngài
Để Hiểu Kinh Thánh Cựu Ước
Bạn Là Ai?
Sống Với Cảm Xúc
Cẩm Nang Dành Cho Giáo Viên Dạy Kinh Thánh
Tâm Vấn Cơ Đốc Hiệu Quả
Hành Trình Cuối Cuộc Đời
Khi Đức Tin Chiến Thắng
Kinh Thánh Về Nghệ Thuật Lãnh Đạo
Những Bước Đầu Trong Niềm Tin Cơ Đốc
Kinh Thánh Tân Ước Truyện Tranh
Người Giàu Nhất Thế Gian
Chắp Cánh Cho Tâm Hồn Bay Cao
Thi Ca Thánh Kinh
Lẽ Thật Nền Tảng
Bộ Sách "Kinh Thánh Trong Cuộc Sống Em"
Bộ Sách "Thần Học Cơ Đốc Giáo"
Bàn Tay Giúp Đỡ
Đừng Làm Nửa Vời
Kinh Thánh Của Bé
Sống Theo Tiếng Gọi
Tân Tín Hữu
Vì Sao Chúng Ta Tin?
Bộ Sách "Truyện Tranh Thiếu Nhi UBS"
Giọt Sữa Mẹ
Truyền Thuyết Do Thái
Khoa Học Và Niềm Tin
Chuyện Lứa Đôi
Niềm Tin Minh Họa
Tín Lý Căn Bản
Những Nan Đề
Quà Tặng Tha Thứ Là Của Bạn
Những Lời Hứa Vững Bền
Địa Vị Của Bạn Trong Chúa Cứu Thế
Người Đào Tạo Môn Đồ
Niên Giám Mục Sư Quản Nhiệm Và Hội Thánh Việt Nam
Sổ Tay Thuật Ngữ Thần Học Anh-Việt
Bình An Với Chúa
Sống Thỏa Nguyện
Thần Học Căn Bản
Cựu Ước Và Tân Ước Giản Lược
Thánh Kinh Nhân - Địa - Sử
Bước Đi Cách Khôn Ngoan
Mỗi Ngày Một Chút
Những Điều Cơ Bản Dành Cho Nhân Sự Cơ Đốc
Nghệ Thuật Sống Quân Bình
Cuộc Đời Tống Thượng Tiết
Năng Lực Trong Lời Cầu Nguyện Của Cha Mẹ
306 Câu Hỏi Của Tín Hữu Cơ Đốc
Phong Tục Thánh Kinh
Học Kinh Thánh Theo Phúc Âm Giăng
Vinh Hiển Lớn Lao
Chuyện Thường Ngày 1
Bạn Được Chữa Lành
Các Ân Tứ Chức Vụ
Thành Công Thương Trường
Chu Toàn Thánh Chức
Gieo Tối Đa, Gặt Tối Ưu
Chuyện Thường Ngày 2
Mỗi Ngày Một Chút 3
Mỗi Ngày Một Chút 2
Quên Hôm Qua, Sống Cho Ngày Mai
Sống Hay Tồn Tại
Chữa Lành Nỗi Đau
Quà Tặng Diệu Kỳ
Lượt truy cập:  8182576
Bản quyền © 2008 Cửa hàng Cơ Đốc Hy Vọng. Designed & developed by EMSVN.COM
Địa chỉ: 431 Vĩnh Viễn, Phường 6, Quận 10, Tp.HCM
ĐT: 028 - 38563060 . Hotline: 0944 11 3440 . Email: hyvongshop@yahoo.com.vn
Website: www.hyvonggiftshop.com | https://www.facebook.com/HyVonggiftshop